Từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng ảnh hưởng thế nào đến chế độ đóng, hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động?
Báo Sức khỏe và Đời sống ngày 08/07/2024 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: “10 chế độ của người lao động thay đổi theo tăng lương cơ sở từ 1/7/2024”. Với nội dung như sau:
Dưới đây là các chế độ đóng, hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động thay đổi theo mức tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1/7/2024:
Thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện
Từ 1/7/2024 sẽ tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, khi tăng lương cơ sở sẽ kéo theo mức đóng các loại bảo hiểm xã hội được tính dựa trên lương cơ sở cũng tăng theo.
Căn cứ Điều 85, 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và theo hướng dẫn tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017:
Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Trong đó bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Hằng tháng người lao động trích 8% tiền lương để tham gia BHXH bắt buộc. Hiện nay, mức đóng cao nhất bằng 20 tháng lương cơ sở nên mức đóng cao nhất từ 1/7 tăng từ 2,88 triệu đồng lên 3,744 triệu đồng/tháng.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế (BHYT) là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc. Trong đó, mỗi tháng người lao động đóng 1,5%. Khi lương tối thiểu tăng thì mức đóng BHYT tăng từ 540.000 đồng lên 702.000 đồng/tháng.
Hằng tháng người lao động đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và mức lương làm căn cứ đóng BHTN tối đa theo chế độ tiền lương do Nhà nước chi trả bằng 20 lần lương cơ sở. Do vậy, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHTN được điều chỉnh tăng từ 360.000 đồng lên 468.000 đồng/tháng.
Tăng mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình
Theo Điểm e, đ Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình hằng tháng sẽ căn cứ theo mức lương cơ sở, cụ thể:
– Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
– Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
– Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thì mức đóng BHYT hộ gia đình cũng tăng theo.
Theo quy định nêu trên, khi mức đóng của người thứ nhất tăng từ 81 nghìn đồng lên 105,3 nghìn đồng/tháng, thì mức đóng của những người còn lại cũng tăng theo, tương ứng theo thứ tự 73,71 nghìn đồng/tháng; 63,18 nghìn đồng/tháng; 52,65 nghìn đồng/tháng và 42,12 nghìn đồng/tháng.
Tiếp đến, báo Chính Phủ ngày 01/07/2024 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng từ 01/7/2024. Nội dung được đưa như sau:
Từ 1/7/2024, tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng nhiều chế độ của người lao động cũng tăng theo. Ảnh minh họa: TL
Tăng mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh
Theo Điểm d Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí. Cụ thể:
– Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP là 2.340.00 đồng, khi đó 15% mức lương cơ sở sẽ tương đương 351.000 đồng.
Như vậy, người tham gia BHYT sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nếu chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh dưới 351.000 đồng (so với trước ngày 01/7/2024 là 270.000 đồng)
Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau
Luật BHXH 2014 quy định, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Khi tăng lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng từ 1/7 thì mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau tăng từ 447.000 đồng lên 540.000 đồng/ngày.
Tăng mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được trợ cấp 1 lần/con bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.
Mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi từ ngày 1/7/2024 tăng từ 3.600.000 đồng lên 4.680.000 đồng.
Ngoài ra, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản từ ngày 01/7/2024 từ 540.000 đồng tăng lên 702.000 đồng.
Tăng mức trợ cấp khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
– Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động từ ngày 01/7/2024 như sau:
– Mức thấp nhất: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng 725.400 đồng/tháng (trước ngày 01/7/2024 là 540.000 đồng).
– Mức cao nhất: Suy giảm 100% khả năng lao động thì được hưởng 3.931.200 đồng/tháng (trước ngày 01/7/2024 là 3.024.000 đồng/tháng).
Tăng mức trợ cấp khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Từ 1/7, mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tăng từ 64,8 triệu đồng lên 84,24 triệu đồng.
Tăng mức dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật
Theo Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Từ ngày 01/7/2024, mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật như sau:
– Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình tăng từ 450.000 đồng/ngày lên 585.000 đồng/ngày.
– Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung tăng từ 720.000 đồng/ngày lên 936.000 đồng/ngày.
Tăng mức lương hưu thấp nhất
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.
Do vậy từ 1/7, mức này tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Tăng mức trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng
Theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người thuộc một trong các trường hợp sau đây chết:
– Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
– Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
Từ 1/7, mức này tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng.
Ngoài ra, theo luật, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân đủ điều kiện hưởng bằng 50% mức lương cơ sở. Do vậy mức này cũng được điều chỉnh tăng từ 900.000 đồng/tháng lên 1,17 triệu đồng/tháng.
Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Vậy nên, từ 1/7, mức này tăng từ 1,26 triệu đồng lên 1,638 triệu đồng/tháng.
Trước đó, báo Chính Phủ ngày 1/7 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng từ 01/7/2024. Nội dung được đưa như sau:
Tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng từ 01/7/2024.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng áp dụng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị) ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
10 đối tượng áp dụng
Nghị định nêu rõ, người hưởng lương, phụ cấp áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định này, bao gồm:
1- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
2- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
3- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
4- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
5- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ).
6- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
7- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9- Hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Công an nhân dân;
10- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng
Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương: Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 01/7/2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Kinh phí thực hiện Nghị định nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương:
1- Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.
2- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
3- Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
1- Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.
2- Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.
3- Sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể: thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước).
4- Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể: thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước).
5- Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
6- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
Nghị định nêu rõ, ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở và thực hiện chế độ tiền thưởng năm 2024 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi đã thực hiện các quy định nêu trên.
Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, thực hiện chế độ tiền thưởng của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (nếu có).
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
Tổng hợp
Nguồn : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/10-che-do-cua-nguoi-lao-dong-thay-doi-theo-tang-luong-co-so-tu-1-7-2024-172240708150343473.htm
https://baochinhphu.vn/tang-luong-co-so-len-muc-234-trieu-dong-thang-tu-01-7-2024-102240701113637498.htm