Sau khi trúng độc đắc 3 tỷ đồng, cuộc sống tỷ phú của gia đình kéo dài được khoảng 5 năm thì lụi dần.
Cách đây hơn chục năm, người dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) không khỏi xôn xao trước chuyện ông Nguyễn Văn Vương (hay còn gọi là Ba Vương) trúng độc đắc tiền tỷ. Theo đó, ông sinh ra trong gia đình nghèo, đi bán vé số quanh chợ nổi từ nhỏ.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu, năm tháng dập dềnh đò ngang, Ba Vương gặp được bà Nguyễn Thị Hẹ, làm nghề bán trái cây ở Cái Bè. Cả hai được bạn bè gán ghép, nên duyên chồng vợ. Sau đó bà Hẹ mang song thai, sinh được hai “quý tử” trong niềm vỡ òa của gia đình.
Song nỗi lo cơm áo, sữa bỉm cho con đã lấn át đi cái niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của vợ chồng Ba Vương. Bà Hẹ sinh được một tháng đã phải vùng dậy, lao ra chợ bán buôn. Ba Vương thì vẫn trung thành với nghề vé số. Thỉnh thoảng có ai gọi đi bốc vác trái cây từ vườn lên tàu thì ông đi, kiếm thêm vài đồng dưa muối.
Lay lắt được vài năm, cặp song sinh được 3 tuổi thì bà Hẹ lại mang thai ngoài kế hoạch. Ông bà nội cho vợ chồng Ba Vương một công vườn để sau này về dựng mái nhà cho bằng người ta. Nhưng túng quẫn quá, vợ chồng bàn nhau bán mảnh vườn kiếm vốn cho bà Hẹ đi buôn, còn Ba Vương lên TP.HCM làm ăn.
Bán vé số ở TP.HCM mỗi ngày Ba Vương cũng được 200.000 đồng, trừ hết chi phí còn dư 100.000. Tích lũy một tháng ông lại gửi về cho vợ.
Bẵng đi hai năm, trong một ngày bán vé số ế ẩm lại gặp trời mưa, ông không chạy về đại lý giao trả được. Thế là còn hơn chục tờ vé số ông đành rớt nước mắt “ôm hết”.
Đang buồn lòng vì một ngày rã rời đi bộ, đói khát mà bị lỗ, chợt Ba Vương giật thót mình khi nghe đài thông báo kết quả số. Ông nhớ mang máng trong dãy số mình đang giữ có 2 tờ trùng với giải đặc biệt và đúng trùng khớp 100%.
Giá trị giải thưởng 2 tờ độc đắc năm 2010 là 3 tỷ đồng (chưa trừ thuế). Ba Vương hào sảng chia ngay cho hai bạn cùng nhà trọ mỗi người 1 trăm triệu. Còn lại, ông thuê xe chở mình về thẳng Tiền Giang.
Do đã thông báo trước nên bạn bè, hàng xóm kéo đến nhà Ba Vương đông như trẩy hội. Ông bỏ ngay một trăm triệu ra liên hoan, đãi dân làng suốt 2 ngày liền.
Sau đó Ba Vương dùng tiền là mua lại mảnh vườn đã bán, xây căn nhà để vợ con lên bờ, đỡ phải rục rịch ghe xuồng chập chờn.
Những ngày sau đó, vợ chồng con cái Ba Vương đi mua sắm đồ dùng, tậu hai cái xe máy mới toanh và tuyên bố, từ nay không phải đi buôn trái cây nữa. Bà Hẹ chỉ việc ở nhà, sáng đi chợ, trưa nấu ăn, tối lại đi chợ…
Riêng Ba Vương từ ngày rũ áo cơ hàn đã có thói quen uống cà phê buổi sáng. Mỗi sáng, ông xách chiếc xe máy mới dạo một vòng ra thị trấn uống cà phê tán dóc với vài ông bạn.
Sẵn tiện mua chục tờ vé số lấy hên. Cả năm trời, ông phấn khởi khao đãi các bạn cà phê, ăn phở buổi sáng. Tối đến lại rải chiếu ra bờ sông làm con vịt với mấy lít rượu.
Thỉnh thoảng Ba Vương làm chuyến du hí lên TP.HCM thăm lại mấy người bạn một thời khố rách áo ôm, rồi khệnh khạng rút ra cho mỗi người vài triệu khi thấy họ vẫn lam lũ bán vé số.
Để tận hưởng đầy đủ sự sung sướng của cuộc đời, Ba Vương đi bar, vũ trường. Cuộc sống tỷ phú của gia đình ông kéo dài được khoảng 5 năm thì lụi dần. Lúc này, ông ít lên thành phố mà chỉ quanh quẩn quán xá quanh nhà.
Cảm giác thấy tài sản trong nhà ngày một vơi đi, bà Hẹ bắt đầu “hãm” việc chi tiêu lại. Trước đây bà thường đi làm tóc, mát sa, mua sắm thì nay bỏ hẳn khâu mua sắm. Bà bắt đầu đổ hết số tiền còn lại chơi hụi và cho vay lấy lãi.
Tiền lãi mỗi tháng được năm bảy triệu, bà trang trải cuộc sống. Còn tiền hụi khi nào hốt thì bà lại chơi mẻ lớn hơn. Duy trì được đâu hơn một năm thì bà chủ hụi ôm tiền bỏ trốn.
Vậy là trắng tay, vốn liếng đã hết sạch. Ông Ba Vương thất thần, ngồi co ro một xó trong nhà không dám bước ra đường. Mấy ngày sau, ông bàn với vợ bán bớt chiếc xe máy lấy vốn rồi lại theo nghề cũ, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng.