Liệu đó là một ngân hàng trung ương lo lắng về khả năng đồng USD có thể được sử dụng như một vũ khí kinh tế? Là các quỹ đầu cơ đặt cược rằng Fed sắp xoay trục sang nới lỏng? Hay một đội quân các nhà giao dịch thuật toán đổ xô vào vàng chỉ vì vàng đang tăng giá? Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Việc giá vàng gần đây tăng dồn dập lên những mức cao chưa từng thấy trong lịch sử có vẻ như là một điều dễ hiểu, xét tới môi trường địa chính trị căng thẳng và triển vọng còn bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu. Vàng vốn được xem là một “vịnh tránh bão” truyền thống và quan điểm chung hiện nay là giá vàng còn tăng do các ngân hàng trung ương lớn sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay.
Sau vài tháng tương đối ổn định trong phạm vi hẹp, giá vàng bắt đầu bùng nổ vào đầu tháng 3. Kể từ đó đến nay, giá vàng đã tăng 14% và liên tiếp lập kỷ lục. Tuy nhiên, thực tế là căng thẳng địa chính trị đã lên cao từ cuối năm ngoái, thậm chí thế giới luôn có căng thẳng địa chính trị trong nhiều năm qua. Chưa kể, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đã giảm trong mấy tuần gần đây. Vậy đâu là thay đổi khiến giá vàng tăng mạnh đến như vậy?
Theo hãng tin Bloomberg, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đưa ra câu trả lời rất khác nhau về việc nhân tố nào đưa giá vàng lên đỉnh cao lịch sử. Liệu đó là một ngân hàng trung ương lo lắng về khả năng đồng USD có thể được sử dụng như một vũ khí kinh tế? Là các quỹ đầu cơ đặt cược rằng Fed sắp xoay trục sang nới lỏng? Hay một đội quân các nhà giao dịch thuật toán đổ xô vào vàng chỉ vì vàng đang tăng giá? Lạm phát dai dẳng hay mối lo về một cuộc hạ cánh cứng? Đồng tiền suy yếu? Các cuộc bầu cử sắp diễn ra? Hay tất cả những yếu tố này?
Những cú bứt phá có vẻ bí ẩn của giá vàng đã thôi thúc các chuyên gia tìm hiêu sâu hơn về giao dịch vàng trên toàn cầu, từ thị trường giao dịch hàng hoá tương lai (futures) và quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) từ New York tới Thượng Hải, cho đến giao dịch trực tiếp tại quầy ở London và hàng hà sa số các nhà giao dịch mua bán vàng miếng, tiền xu vàng và trang sức vàng ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Thị trường vàng vốn dĩ là một thế giới phức tạp và không phải lúc nào cũng minh bạch. Dù vậy, thị trường và các cơ quan chức năng đã nhiều năm nỗ lực để tăng cường sự minh bạch, giúp gia tăng khả năng tiếp cận dữ liệu để làm sáng tỏ hơn về xu hướng tăng giá mạnh mẽ đang diễn ra của loại tài sản được xem là một trong những kênh lưu trữ giá trị cổ xưa nhất.
AI ĐANG MUA VÀNG?
Câu trả lời dễ dàng đầu tiên cho câu hỏi này là các ngân hàng trung ương, bên cạnh các định chế tài chính lớn và các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho một thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng mua vàng vì lo lắng về khả năng sinh lời ảm đạm của các tài sản khác ở nước này và sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, những lực lượng này đã giữ vai trò động lực giá lên trên thị trường vàng trong nhiều tháng, thậm chí là hàng năm trong trường hợp của các ngân hàng trung ương. Và cũng chưa rõ liệu có ai trong số này bất ngờ mua vàng mạnh hơn nhiều do tâm lý lo sợ hay tham lam gia tăng nhiều so với trước hay không. So với trước kia, các nhà phân tích hiện nay có nhiều dữ liệu thị trường hơn, nhưng câu trả lời đưa ra cho câu hỏi này vẫn còn thiếu rõ ràng: Có lẽ do tất cả cùng mua vàng một lúc, thay vì một lực lượng cụ thể nào đó mua đặc biệt nhiều.
CÁC SẢN PHẨM VÀNG NÀO ĐANG ĐƯỢC MUA?
Có một điều vừa rõ ràng nhưng cũng gây khó hiểu: trong suốt một thời gian dài, nhà đầu tư đã không hề mua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng, vốn là một trong những phương thức dễ dàng nhất để mua vàng. Việc các quỹ ETF vàng liên tục bán ròng cho tới gần đây cho thấy một lực lượng lớn nhà đầu tư đã bỏ lỡ cơ hội, hoặc cũng có thể là đã chốt lời khi giá vàng đi lên.
“Đây là một trong những hiện tượng lạ lùng mà tôi từng chứng kiến ở các quỹ ETF vàng. Đáng ngạc nhiên là các quỹ này bán ròng trong lúc nhu cầu rất mạnh ở các nhóm khác như ngân hàng trung ương hay nhà đầu tư cá nhân mua vàng trực tiếp”, Chủ tịch Nate Geraci của công ty ETF Store nhận định.
Theo ngân hàng Citigroup, hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư dài hạn mua vàng từ nhiều năm trước là nguyên nhân dẫn tới việc các quỹ ETF vàng ít mua ròng. Việc các quỹ này bán ròng mạnh mà không gây áp lực giảm lớn đối với giá vàng cũng là dấu hiệu cho thấy số vàng mà các quỹ này bán ra đã được mua nhanh. Các ngân hàng trung ương có lẽ là lực lượng mua chủ yếu của số vàng mà các quỹ ETF bán ra – theo chuyên gia Joe Cavatoni của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
“Có các nhà đầu tư khác mua vàng vật chất, nên việc các quỹ ETF bán ròng không có ảnh hưởng đến giá vàng. Thử đoán xem vàng từ các quỹ đó đi đâu: ra thị trường tự do (OTC) và được các ngân hàng trung ương chờ sẵn để mua”, ông Cavatoni nói.
NHÀ ĐẦU TƯ MUA VÀNG Ở ĐÂU?
Trên các sàn giao dịch tương lai và thị trường OTC, hoạt động giao dịch vàng đều tăng mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tổ chức – gồm ngân hàng trung ương, ngân hàng đầu tư, các quỹ lương hưu, quỹ đầu tư quốc gia – tham gia thị trường. Hoạt động giao dịch quyền chọn vàng cũng tăng, dẫn tới kỳ vọng rằng giá vàng có thể tăng cao hơn nữa khi các nhà giao dịch quyền chọn đẩy mạnh việc mua vào.
Số hợp đồng vàng trên thị trường tương lai ở New York đang ngày càng lớn, dấu hiệu cho thấy các nhà quản lý quỹ đang gia tăng đặt cược vào sự tăng giá của vàng trong dài hạn hơn. Tuy nhiên, tổng khối lượng giao dịch đang tăng mạnh hơn so với số lượng hợp đồng mở – một tín hiệu về sự gia tăng hoạt động của các quỹ thuật toán.
CÁC NHÀ ĐẦU TƯ MUA VÀNG KHI NÀO?
Theo Bloomberg, câu trả lời cho câu hỏi này là chủ yếu vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và và thứ Sáu hàng tuần. Thị trường vàng vốn dĩ rất nhạy cảm với biến động dữ liệu kinh tế Mỹ, và sự nhạy cảm đó càng gia tăng kể từ khi giá vàng bắt đầu tăng tốc vào đầu tháng 3. Các báo cáo kinh tế quan trọng công bố vào những ngày đó giúp thị trường có cái nhìn sâu hơn về tình hình sản xuất, việc làm, GDP và lạm phát của Mỹ. Hoạt động mua vàng tăng mạnh mỗi khi dữ liệu được công bố phản ánh rõ nét tình trạng của những yếu tố kinh tế quan trọng nhất.
Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khiến các nhà phân tích cảm thấy khó hiểu, bởi các số liệu gần đây nóng hơn dự báo, dẫn tới việc các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ và trái phiếu cắt giảm đặt cược vào việc Fed sẽ giảm lãi suất nhanh và nhiều. Sự thay đổi đặt cược như vậy lẽ ra là một yếu tố bất lợi cho giá vàng, nhưng trên thực tế giá vàng vẫn bứt phá không ngừng.
VÌ SAO NHÀ ĐẦU TƯ MUA VÀNG?
Đây là câu hỏi lớn nhất trong số các câu hỏi liên quan tới xu hướng tăng giá đang diễn ra trên thị trường vàng. Trong 5 tuần trở lại đây, điều khó hiểu nhất liên quan tới đà tăng của giá vàng là dù vẫn tin Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay, nhiều nhà đầu tư đã cảm thấy bấp bênh hơn trước về thời điểm Fed hành động. Một khả năng đặt ra là nhiều nhà đầu tư vàng đã không còn quan tâm đến việc Fed khi nào bắt đầu hạ lãi suất nữa, mà thay vào đó tính đến khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng và mua mạnh vàng để phòng ngừa rủi ro đó.
Điều này có thể thể lý giải cho một biến động gây tò mò khác trên thị trường vàng những tuần gần đây: mối quan hệ giữa chênh lệch (spread) của giá vàng và lãi suất Fed.
Mức chênh lệch phần trăm giữa giá vàng giao ngay và giá giao kỳ hạn 3 tháng ở London – vốn thường tăng/giảm theo biến động lãi suất do chi phí của việc lưu kho, cấp vốn và bảo hiểm vàng – đã giảm xuống mức thấp hơn so với lãi suất Fed trong những tuần gần đây – một điều hiếm khi xảy ra – do giá vàng giao ngay tăng cao. Lịch sử cho thấy điều này thường chỉ xảy ra một cách bền vững khi lãi suất ở mức thấp hoặc chuẩn bị giảm sâu.
Sự đảo ngược chênh lệch như vậy có thể là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư với tâm trạng lo lắng đang đẩy mạnh việc mua vàng giao ngay để phòng ngừa rủi ro biến động trong tương lai.
“Xu hướng tăng mạnh của giá vàng hiện nay đi ngược lại lối nghĩ thông thường, nhất là xét tới việc lãi suất vẫn còn cao. Tôi cho rằng kịch bản đang dịch chuyển theo hướng lạm phát dai dẳng và có lẽ là một cuộc hạ cánh cứng, thêm vào đó là bấp bênh địa chính và sự đảo ngược toàn cầu hoá thúc đẩy nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương”, trưởng chiến lược Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank AS nhận định.