Tự mua thuốc giảm đau về uống trong khi bị sốt, nam thanh niên phải nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng thể não, bị suy gan, suy thận…
Vừa qua, thông thi từ Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân là M.V.L, 21 tuổi ngụ tại TPHCM.
Trước khi nhập viện, L có biểu hiện sốt, đau mỏi cơ nhiều. Bệnh nhân đã tự mua thuốc giảm đau uống nhưng tình trạng bệnh không giảm. Đến ngày thứ 4, cơ thể liên tục sốt cao, đau cơ, đi tiểu ra nước màu đỏ toàn dòng nên được gia đình chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, li bì, tụt huyết áp, thở nhanh, vàng da. Kết quả thăm khám, xét nghiệm ghi nhận, bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng thể não. Bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, chống sốc tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng, bệnh nhân rơi vào gây suy gan, suy thận. Các xét nghiệm tìm nguyên nhân bác sĩ xác định đây là trường hợp tán huyết cấp (do thiếu men G6PD – một bệnh lý di truyền gây thiếu máu cấp, nguy cơ tử vong cao).
Sau hội chẩn liên chuyên khoa, bệnh nhân đã được chỉ định thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu, truyền thuốc để ổn định huyết động, điều chỉnh điện giải, cân bằng dịch. Sau hơn 1 tháng chiến đấu với “tử thần”, bệnh nhân đã bình phục sức khỏe, đủ điều kiện xuất viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có biểu hiện sốt cao trên 2 ngày, hoặc không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt kèm mệt mỏi, vàng da, nôn ói cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Người lớn sốt bao nhiêu độ là nguy hiểm?
Ở người trưởng thành, sốt được chia thành ba cấp độ:
– Sốt nhẹ: Nhiệt độ cơ thể dao động trong khoảng 37 – 38°C.
– Sốt mức trung bình: Thân nhiệt tầm 39°C.
– Sốt cao: Nhiệt độ lên đến 39 – 40°C.
Khi thân nhiệt của người bệnh tăng cao đột ngột từ 40°C trở lên được xem là sốt cao. Đây thường là biểu hiện của những bệnh nhiễm trùng nặng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não hay tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây sốt ở người lớn
Về bản chất, sốt là một dấu hiệu tốt chứng tỏ cơ thể có những phản ứng đối với những tác nhân gây hại.
Khi cơ thể bị sốt rất có thể đang nhiễm một loại virus hoặc vi khuẩn nào đó. Khi miễn dịch của cơ thể phát hiện ra những tác nhân lạ trong cơ thể, nó sẽ giải phóng ra các tín hiệu để huy động bạch cầu chiến đấu chống lại những tác nhân này. Từ đó làm thay đổi thân nhiệt cơ thể gây ra những cơn sốt.
Các nguyên nhân gây sốt ở người lớn phổ biến là: Nhiễm virus (như cúm hoặc cảm lạnh); Nhiễm khuẩn; Nhiễm trùng nấm; Ngộ độc thực phẩm; Sốc nhiệt, say nắng; Viêm; Khối u; Có cục máu đông…
Một số người lớn có nguy cơ cao bị sốt nghiêm trọng, chẳng hạn như mắc phải một số bệnh mạn tính: Hen suyễn; Viêm khớp dạng thấp; Bệnh tiểu đường; Bệnh Crohn; Bệnh tim; Bệnh hồng cầu hình liềm; Bại não…
4 sai lầm tuyệt đối tránh khi bị sốt
– Không tự ý kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt nhằm giảm nhiệt độ nhanh vì có thể dẫn đến dùng thuốc quá liều và gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
– Không đắp chăn ấm, mặc nhiều áo khi bị sốt cao dễ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và càng rét run. Mở cửa thoáng phòng.
– Không nên kết hợp cùng lúc nhiều cách hạ sốt: uống thuốc, ngâm người vào bồn nước ấm… có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, rất nguy hiểm.
– Không chườm lạnh sẽ làm co mạch khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài qua lỗ chân lông.
Ảnh minh họa
Người bị sốt kèm những dấu hiệu này cần được khám sớm
– Từng đến vùng có dịch bệnh như: sốt xuất huyết, virus cúm…
– Sốt kèm dấu hiệu rối loạn chức năng tâm thần, mơ hồ nhầm lẫn, hôn mê.
– Nhức đầu, cứng cổ, xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ hoặc màu tím trên da.
– Cứng hàm, co thắt cơ, đau cổ, đổ mồ hôi, co giật. Tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, thở gấp.
– Nhiệt độ cơ thể cao hơn 40 độ C hoặc thấp hơn 35 độ C.