Cuối năm, việc bao sái bàn thờ, tỉa chân hương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi thực hiện việc này, các gia đình cần chú ý một số quy tắc dưới đây.
Theo phong thủy, bàn thờ là nơi tụ khí của gia đình. Bao sái bàn thờ là việc các gia đình phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt là dịp cuối năm. Đây chính là việc lau dọn bàn thờ, sắp xếp lại các vật phẩm thờ cúng, tỉa chân hương để mời gia tiên về ăn Tết. Bát hương quá đầy được cho là sẽ làm cản trở khí lưu chuyển, tác động không tốt đến vận khí của gia đình. Do đó, vào dịp cuối năm, ngoài việc lau dọn bàn thờ, gia chủ sẽ thực hiện việc rút bớt chân hương.
Việc bao sái bàn thờ một cách cẩn thận vào mỗi dịp cuối năm vừa giúp nơi thờ cúng sạch sẽ, trang nghiêm hơn, vừa mang ý nghĩa thanh lọc các trường khí xấu, loại bỏ những vận cũ, đón điều may mắn sẽ đến trong năm mới.
Ngày đẹp dọn bàn thờ, tỉa chân hương Tết Nguyên đán 2024
Theo các chuyên gia phong thủy, từ giờ đến hết năm Quý Mão, có 2 ngày đại lộc có thể chọn để lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương. Thực hiện những việc này vào ngày đẹp được cho là sẽ giúp gia chủ gặp may mắn, nhận phước lành.
– Ngày 26 tháng Chạp (ngày 5/2/2024 dương lịch): Đây là ngày Hoàng đạo, ngày tốt cho các việc như bao sái bàn thờ, tỉa chân hương… để Thần Phật phù hộ, nhận bình an. Các khung giờ đẹp trong ngày gồm: 7h-9h, 11h-13h và 13h-15h.
– Ngày 28 tháng Chạp (tức ngày 7/2/2024 dương lịch) là ngày tốt để tiến hành các việc tẩy uế, lau dọn bàn thờ. Trong ngày, mưu sự dễ thành, gặp nhiều niềm vui, tài lộc thịnh vượng. Khung giờ đẹp trong ngày gồm 5h-7h, 9h-11h và 15h-17h.
Nếu không chọn 2 ngày trên, gia chủ có thể lựa 1 trong 3 ngày dưới đây cũng khá phù hợp với việc bao sái bàn thờ.
– Ngày 24 tháng Chạp (ngày 3/2/2024 dương lịch). Giờ tốt: 5h-7h, 11h-13h, 13h-15h, 17h – trước 18h.
– Ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 8/2/2024 dương lịch). Giờ tốt: 7h-9h, 9h-11h, 13h-15h.
– Ngày 30 tháng Chạp (ngày 9/2/2024 dương lich). Khung giờ tốt: 5h-7h, 11h-13h, 13h-15h, 17h – trước 18h.
Trường hợp không có thời gian thực hiện vào những ngày đẹp đã nêu trên, gia chủ có thể chọn bao sái bàn thờ vào ngày Rằm tháng Chạp hoặc ngày ông Công ông Táo cũng rất hợp lý.
– Rằm tháng Chạp (15/12 âm lịch, tức ngày 25/1/2024): Ngày Rằm, mùng 1 là những ngày linh thiêng. Vào thời điểm này, gia chủ hoàn toàn có thể thực hiện việc bao sái bàn thờ.
– Ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 2/2/2024): Đây chính là ngày tiễn ông Công ông Táo lên chầu Trời báo cáo các sự việc diễn ra ở hạ giới trong suốt một năm qua. Đây là ngày Tư Mệnh Hoàng Đạo, gia chủ có thể chọn ngày này để bao sái bàn thờ, vừa là ngày đẹp, vừa thể sự thành kính, mong cầu một năm mới bình an.
Lưu ý khi bao sái bàn thờ
– Chuẩn bị dụng cụ riêng, sạch sẽ
Khi bao sái bàn thờ vào dịp cuối năm, gia chủ nên lựa chọn dụng cụ mới, sạch sẽ. Nên sử dụng khăn mới tinh để lau dọn bàn thờ. Ngoài ra, thay vì dùng nước lã để lau bàn thờ, gia chủ nên chọn nước ngũ vị hương hoặc nước thơm bao sái. Những loại nước này được cho là có tác dụng tẩy uế tốt, đem lại sự sạch sẽ, thanh tịnh cho khu vực thờ cúng.
– Thắp hương xin phép trước khi bao sái bàn thờ
Trước khi bao sái bàn thờ, gia chủ có thể dâng một lễ nhỏ và thắp nén hương, đọc văn khấn xin phép thần linh, gia tiên được dọn dẹp bàn thờ.
Ngoài ra, người thực hiện việc dọn dẹp bàn thờ cũng cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc lịch sử, giữ tâm thanh tịnh và thành kính.
– Không xê dịch bát hương, bài vị, tượng thờ
Trong quá trình bao sái bàn thờ, gia chủ cần chú ý tránh để bát hương, bài vị, tượng thờ bị xê dịch. Bát hương được coi là nơi hội tụ tâm thức, kết nối trần gian với cõi âm. Di chuyển bát hương sẽ làm ảnh hưởng đến liên kết này.
Khi rút tỉa chân hương, nên để lại vài chân hương theo số lẻ (3, 5, 7, 9…). Chân hương được rút ra cần gói trong giấy báo sạch, đem hóa rồi vùi xuống gốc cây lớn.
Nếu bát hương nhiều tro thì lấy thìa sạch gạt bớt ra.
Nết bát hương, đồ thờ cần thay mới thì gia chủ nên thỉnh lễ hạ giải trước khi thay.
Sau khi hoàn thành công việc dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân hương, gia chủ nên khấn thỉnh các vị thần, gia tiên trở về.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.