Thông tin này được đăng tải trên báo Tuổi trẻ online, bài viết có tiêu đề: “Học sinh lớp 11 t.ử v.o.n.g vì pháo tự chế phát nổ”. Nội dung cụ thể như sau:
Một nam học sinh 16 tuổi t.ử v.o.ng vì pháo tự chế phát nổ. Bước đầu xác định nạn nhân lén lút cha mẹ tự mua hóa chất về chế tạo pháo, dẫn đến vụ tai nạn.
Chiều 20-1, ông Trà Thanh Danh, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết một học sinh t.ử v.ong khi pháo tự chế phát nổ ở nhà riêng.
Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 14h chiều cùng ngày tại thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi.
Thời điểm trên, em Đ.M.A. (16 tuổi) đang chế tạo pháo ở một căn phòng tách biệt với ngôi nhà chính thì pháo phát nổ.
Khu vực nhà ông Đường, nơi xảy ra vụ nổ pháo tự chế khiến em A mất, ảnh: TTO
Hiện trường sự việc, ảnh: PLO
Người dân địa phương nghe tiếng nổ rất lớn, chạy đến hiện trường thì thấy nam sinh nằm bất động trên nền đất. Ngay sau đó, mọi người hỗ trợ đưa A. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu, nhưng em không qua khỏi.
Một nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết vụ nổ pháo tự chế khiến mái tôn bị phá hỏng, rất nhiều vật liệu dùng chế tạo pháo vương vãi khắp nơi. Em A. bị bỏng nặng và thương tích khắp người.
“Tôi ở ngoài đồng cách đó mấy trăm mét mà vẫn nghe tiếng nổ rất lớn. Chẳng biết chuyện gì, nghe mọi người vừa đi vừa hô hoán nổ pháo chết người rồi. Chạy vào nhà ông Đường (nơi xảy ra vụ việc) thì thấy cháu A. nằm bất động”, nhân chứng kể.
Ông Trà Thanh Danh cho biết: “Theo báo cáo ban đầu, em Đ.M.A. đang học lớp 11, tự mua hóa chất về chế tạo pháo ở nhà và pháo phát nổ dẫn đến vụ tai nạn. Hiện Công an TP Quảng Ngãi đang phối hợp Công an tỉnh khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ”.
Nguồn tin ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên nhập viện vì nổ pháo tự chế. Những ngày qua, bệnh viện đã tiếp nhận một số thanh thiếu niên vào viện bị giập nát bàn tay, đa chấn thương, bỏng… và người nhà xác nhận con cái mình bị nạn vì chế tạo pháo và phát nổ.
Trong thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi liên tục cảnh báo những nguy hiểm vì pháo tự chế gây ra, thu giữ nhiều hóa chất dùng để chế tạo pháo. Có trường hợp cha mẹ phát hiện con chế tạo pháo đã báo công an, giao nộp toàn bộ hóa chất, dây dẫn cháy.
Dù liên tục khuyến cáo, nhưng vẫn có những vụ tai nạn vì pháo tự chế xảy ra. Qua sự việc, cơ quan chức năng tiếp tục cảnh báo phụ huynh theo dõi con cái, nhất là việc lên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử mua hóa chất, vật dụng và học làm pháo tự chế trên mạng.
Kịp thời phối hợp cơ quan chức năng, nhà trường ngăn chặn, không để những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Những loại pháo nào được phép sử dụng trong dịp Tết
Theo quy định của pháp luật thì vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, hay còn gọi chung là pháo hoa “không nổ”.
Cuối năm, nhiều người có nhu cầu mua pháo hoa không tiếng nổ để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Lợi dụng điều này, nhiều người hám lợi đã thực hiện hành vi dưới nhiều vỏ bọc khác nhau và sử dụng những phương thức, thủ đoạn khác nhau để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép pháo nổ.
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới sức khỏe, tính mạng và tình hình an ninh, trật tự xã hội. Do đó, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ai được sử dụng pháo hoa và sử dụng vào dịp nào?
Người đốt pháo hoa không nổ phải từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi mới được đốt pháo hoa của Bộ Quốc phòng.
Căn cứ vào khoản 1, Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì chỉ có cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được sử dụng pháo hoa.
Đồng thời, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Loại pháo nào người dân được phép sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán?
Theo quy định của pháp luật, pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Hiện nay pháo bao gồm 2 loại là pháo nổ và pháo hoa.
Loại pháo không được phép sử dụng gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ
– Pháo nổ là loại pháo khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
– Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Loại pháo được phép sử dụng: Pháo hoa
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ.
Theo quy định trên, pháo hoa và pháo nổ đều là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Điểm khác nhau cơ bản là pháo nổ sẽ gây ra tiếng nổ, tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ mà chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh.
Tất cả các loại pháo gây ra tiếng nổ đều không phải pháo hoa mà là pháo nổ hoặc pháo hoa nổ. Và người dân không được phép tự ý nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt các loại pháo này.
Theo đó, các loại pháo hoa nổ thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương… theo kế hoạch của Nhà nước.