Giáo viên dạy thêm mà không làm 1 việc sẽ bị phạt 100 triệu đồng

Thông tin này được đăng tải trên báo VTCNews ngày 17/1/2025. Bài viết có tiêu đề: “Dạy thêm không đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt 100 triệu đồng”. Nội dung cụ thể như sau:

Nhằm xóa bỏ triệt để tình trạng bắt ép học sinh tham gia các lớp học thêm do chính thầy cô giáo đứng lớp chính khóa giảng dạy, nhiều quy định mới được bàn hành để siết chặt công tác quản lý vấn đề này.

Dạy thêm không đăng ký kinh doanh bị phạt thế nào?

Khoản 1, Điều 62, Nghị định 122/2021 của Chính phủ áp dụng mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định. Đồng thời, mức phạt tiền trên cũng áp dụng với hành vi sau đây:

Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;

Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;

Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Giáo viên cần lưu ý thêm khoản 2, Điều 4, Nghị định 122/2021 cũng quy định mức phạt 5 – 10 triệu đồng sẽ thực hiện đối với cá nhân. Còn với tổ chức, mức phạt tiền cao gấp 2 lần mức phạt tiền cá nhân.

Riêng trường hợp dạy thêm phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện, mức xử phạt được áp dụng thep quy định tại khoản 4, Điều 46, Nghị định 122/2021 từ 50 – 100 triệu đồng với một trong các hành vi sau:

Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;

Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.

Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Bên vi phạm buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký.

Tổ chức có hành vi nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Như vậy, nếu dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân và phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường hợp hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng với tổ chức; cá nhân bị phạt từ 25 – 50 triệu đồng.

Điều kiện tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường

Điều 6, Thông tư 29/2024 quy định, các tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm ngoài trường học có thu tiền của học sinh phải đảm bảo các điều kiện sau:

Phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

 

Phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm;

 

Công khai thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp;

 

Công khai địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm;

 

Công khai danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường cũng do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Mờ bà con đọc thêm thông tin: Luật sư hướng dẫn giáo viên cách đăng ký kinh doanh khi dạy thêm từ 14/2/2025

Trình tự, thủ tục chi tiết đăng ký kinh doanh dạy thêm được thực hiện theo các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề khác theo quy định pháp luật hiện hành. Theo các Điều 19, 20, 21, 22 của Luật Doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý, theo Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, bao gồm: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Sau khi đăng ký kinh doanh, các cá nhân, tổ chức dạy thêm sẽ cần phải thực hiện, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan, ngoài ra kê khai và nộp thuế, lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ đăng ký kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp như sau:

Điều 19. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 21. Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 22. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.