Nhiều người Trung Quốc mua giun đất để dùng làm thuốc đông y chữa bệnh tim mạch, khiến nạn săn bắt, kích điện loài vật này ngày càng nghiêm trọng.
Nạn kích điện giun đất rộ lên khoảng một tháng gần đây tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang… Những người săn bắt dùng máy kích gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy hoặc pin công suất lớn để cắm xuống đất, khiến toàn bộ giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.
Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc với giá khoảng 600.000 đồng một kg.
Tại Trung Quốc, giun đất được gọi là địa long (rồng đất) và đã được coi là nguyên liệu trong y học cổ truyền gần 2.000 năm qua. Dược điển Trung Quốc cho rằng giun đất có công dụng “thanh nhiệt, trấn an, nhuận phế, lợi tiểu”.
Nạn kích điện săn giun đất cũng bùng phát gần đây tại một số địa phương của Trung Quốc để bán cho các cơ sở chế biến thuốc bắc, theo phóng sự hồi tháng 7/2022 của Xinhua.
Những người kích điện cho hay ngày càng nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não ở Trung Quốc cần sử dụng giun đất làm thuốc. Nhu cầu tăng cao khiến hàng trăm nghìn tấn giun đất bị săn bắt bằng phương pháp kích điện ở nước này.
Giun đất phơi khô, nguyên liệu chính trong nhiều loại thuốc đông y Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Người săn giun sử dụng máy Địa Long, gồm ắc quy nối với hai que nhọn, tương tự ở Việt Nam. Lưu Liên Tâm, nông dân ở Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, có hơn 20 năm kinh nghiệm bắt giun, cho hay nạn kích giun thường nở rộ vào mùa xuân, lúc giun đất chui ra ngoài.
Những lúc đó, âm thanh của máy Địa Long vang lên khắp ruộng lúa, cánh đồng rau, công viên, bờ sông, thậm chí trong rừng. Nhiều người đứng xem công nghệ bắt giun hiện đại cho hay “tê cả chân” vì điện.
Vào mùa hè nắng nóng, ít mưa, giun chui sâu hơn dưới đất, nhưng vẫn có những nhóm người mang máy Địa Long đi kích giun. Họ thường hoạt động vào ban đêm, mang theo đèn, xô, đi ủng. Một người bạn của Lưu Liên Tâm than thở với bà “gần đây tìm khắp vùng quanh nhà không thấy giun”.
Người bắt giun không chỉ xuất hiện ở Hà Nam, mà còn ở Túc Châu thuộc tỉnh An Huy, Từ Châu thuộc Giang Tô, vùng rừng núi giữa tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, rừng nguyên sinh ở Quý Châu, Vân Nam, rừng cao su ở Hải Nam.
Người dùng máy Địa Long có thể bắt hàng trăm cân giun tươi mỗi ngày rồi làm sạch nội tạng, phơi khô. Cứ 10 cân tươi được một cân khô, bán với giá khoảng 180-240 tệ (25-33 USD), tùy chủng loại và chất lượng.
Hơn 20 năm trước, khi Lưu Ngọc Liên mới vào nghề, bà dùng cuốc đào giun, lấy dao lam mổ bụng rồi khơi khô trên sân gạch. Khi đó, giá giun khô khoảng 20 tệ một kg.
“Một ngày đào được 20 kg giun nhưng không kiếm được là bao, nên ít người làm nghề này”, bà Lưu nói.
Nhưng trong vòng 20 năm qua, giá giun đất đã tăng 10 lần. Năm 2021, một kg giun đất khô từng có giá lên tới 275 tệ (38 USD), khi nhu cầu của thị trường tăng vọt.
Thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy, được gọi là “thủ phủ dược liệu Trung Quốc” và là thị trường buôn bán thảo dược Trung Quốc lớn nhất thế giới. Ông Trần, thương lái ở Bạc Châu, cho hay ông thu mua giun đất tự nhiên ở Quảng Tây, Tứ Xuyên, An Huy, Hà Nam, sau đó bán cho các nhà máy dược phẩm.
Theo số liệu năm 2021, hơn 57% số giun đất bán ra trên thị trường được sử dụng cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, các nhà thuốc đông y nhập khoảng 28,5%, số còn lại được dùng trong lĩnh vực xuất khẩu và thực phẩm chức năng.
Trung Quốc có 40 dược phẩm chứa thành phần giun đất, tiêu biểu là các loại thuốc chữa ho, đau đầu tức ngực, viên nén tiêu sưng. Cơ sở sử dụng nhiều giun đất nhất là một công ty dược ở Thiểm Tây, nơi sản xuất thuốc tim mạch và mạch máu não, trong đó có viên nang thông tâm não.
Báo cáo về các bệnh tim mạch được Trung Quốc công bố năm ngoái cho thấy cứ 5 ca tử vong ở nước này năm 2021 thì có hai ca do bệnh tim mạch. Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở Trung Quốc cũng tăng liên tục, với số bệnh nhân ước tính 330 triệu người.
“Dân số già hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng thuốc tim mạch ngày càng cao, kéo theo đó là nhu cầu giun đất liên tục tăng trong 10 năm gần đây”, Cổ Hải Bân, chuyên gia phân tích dữ liệu của nền tảng đông y Thiên Địa Vân Đồ, nói. “Số liệu cho thấy nhu cầu giun đất của thị trường dược tăng từ 400 tấn năm 2010 lên 675 tấn năm 2020”.
Đại diện một công ty sản xuất thuốc ở Bạc Châu, An Huy cho hay so với 10 năm trước, lượng giun đất dùng cho sản xuất dược phẩm đã tăng 70-80%. Công ty chủ yếu sản xuất thuốc dạng miếng và dạng hạt cho các bệnh viện, nhà thuốc. Công ty còn quảng cáo rằng chỉ sử dụng giun đất tự nhiên, không phải loại được nuôi.
Ấn bản Dược điển Trung Quốc năm 2020 cho hay 4 loại “địa long” dùng để sản xuất thuốc là Pheretima aspergillum, Pheretimavulgaris, Pheretima guillelmi, Pheretima pectinifera. Loại giun nuôi Eudrilus eugeniae không được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, mà chủ yếu phục vụ ngành thủy sản.
Tôn Chân Quân, giáo sư khoa sinh thái, đại học nông nghiệp Trung Quốc, người có hơn 30 năm nghiên cứu giun đất, cho hay 4 loài giun đất tự nhiên ở nước này có “tính hoang dã quá mạnh” nên chưa thể nhân giống hay nuôi trên quy mô lớn, dù nhu cầu tăng cao.
Đây là lý do máy Địa Long ra đời, khi ngày càng nhiều người đổ xô đi bắt giun vì nguồn lợi kinh tế. Giáo sư Tôn cho biết ông bắt đầu chú ý tới sự xuất hiện của máy kích giun năm 2013, thời điểm giá giun đất lên tới 150 tệ/kg (21 USD).
Bà Lưu cho hay đã từ bỏ phương pháp đào giun thủ công, chuyển qua sử dụng máy Địa Long vì “hiệu quả cao” và thậm chí chuyển qua kinh doanh loại máy này. Các thương lái cho rằng săn bắt giun đất là “con đường làm giàu ở nông thôn”, gọi giun đất là “vàng sinh ra ở đất quê”.
Thiết bị kích điện săn giun đất. Ảnh: The Paper
Nhưng săn giun đất bằng phương pháp kích điện cũng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng với đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Tại các khu vực Quảng Đông, Quảng Tây, do khai thác quá mức nguồn giun đất trong những năm gần đây, nguồn giun giảm dần theo từng năm.
Vạn Tuyền, một thợ săn giun ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam từ năm 2021 chuyển địa bàn hoạt động đến thị trấn Tuyết Sơn, huyện Uy Ninh, tỉnh Quý Châu, nơi có nhiều giun vì “môi trường tốt, nhiều đồi núi”.
Vạn mang máy Địa Long tới Tuyết Sơn, phát miễn phí cho người địa phương để họ lên núi kích giun, mang về bán lại cho mình. Vạn cũng thuê họ mổ bụng, rửa sạch và phơi khô giun.
Lý Ái, công tố viên huyện Uy Ninh, cho hay chưa từng chứng kiến phong trào săn bắt giun đất lớn như thế. Từ giữa năm 2021, thương lái mang theo máy kích giun đổ xô tới Uy Ninh, khiến người dân và lực lượng kiểm lâm lo ngại.
Cuối năm đó, Viện Kiểm sát huyện Uy Ninh quyết định cứu giun đất bằng cách khởi kiện những người làm trong ngành săn giun với lý do “đảm bảo lợi ích công cộng”.
Đầu năm 2022, Lý Ái đến nhiều địa phương trong huyện để thu thập thông tin cho các vụ kiện liên quan tới săn giun đất. Tuy nhiên, công tố viên này nhận định nỗ lực “cứu giun” rất khó khi không nhận được sự hợp tác của người dân.
“Họ cho rằng dưới đất chỗ nào cũng có giun, kích lên cũng không ảnh hưởng gì”, Lý Ái nói. “Trong quá trình điều tra, nhiều người nói với chúng tôi rằng luật không cấm, nên cơ quan chức năng không có quyền ngăn họ bắt giun’”.
Lý Ái và các đồng nghiệp đã rà soát luật Bảo vệ động vật hoang dã, luật Bảo vệ Môi trường, luật Nông nghiệp, luật Quản lý đất đai… nhưng “không tìm thấy bất kỳ quy định cụ thể nào cấm săn bắt giun đất. Loài này cũng không có trong danh sách động vật cần bảo vệ”.
Viện kiểm sát Uy Ninh đã mời các ban ngành liên quan như công an, bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, nông nghiệp để tổ chức hội thảo, nhưng không ra được kết luận cuối cùng về cách xử lý hoạt động này.
“Đại diện các cơ quan đều nói chưa từng có nơi nào xử lý các vụ bắt giun và đưa ra hình thức như phạt tiền, giữ người hay tịch thu công cụ”, Lý Ái nói.
Trong lúc cơ quan chức năng tìm hướng xử lý, giáo sư Tôn lo ngại việc nguồn giun đất suy giảm sẽ tác động lớn tới thổ nhưỡng.
“Nếu ai cũng đổ xô đi săn bắt giun, chất lượng đất ruộng sẽ bị ảnh hưởng. Ruộng không có giun sẽ không còn đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng để trồng lương thực”, ông nói. “Việc này không chỉ ảnh hưởng tới giun đất, mà còn tác động tới những sinh vật khác trong đất như côn trùng, ve, nhện”.
Ông cho rằng ngoài săn bắt, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ cũng khiến tình trạng ô nhiễm đất gia tăng, làm giảm số lượng giun đất tự nhiên. Giun đất sinh trưởng ở những vùng đất này có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, không thể sử dụng làm thuốc đông y.
“Thực tế, tất cả các ban ngành đều có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ đa dạng sinh học. Chúng ta thường cho rằng bảo vệ đa dạng sinh học là trách nhiệm của một cơ quan nhất định”, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói.
Ông cảnh báo nếu các ngành sử dụng giun đất không ý thức được điều này, lĩnh vực y học cổ truyền Trung Quốc sẽ bị chặn đường phát triển.
Một cơ sở phơi khô giun đất ở Uy Ninh, tỉnh Quý Châu. Ảnh: Xinhua
Vạn Tuyền cũng nghe nói về tác hại của việc dùng kích điện săn bắt giun. Thương lái này gần đây đi Thiểm Tây để tìm nguồn giun đất mới, nhưng dự định sẽ mở một trang trại nuôi giun đất trong tương lai.
“Nếu có ngày chính phủ cấm dùng kích điện săn bắt giun, tôi sẽ lập tức dừng lại”, Vạn Tuyền nói. “Phải tìm đường đi khác, bởi giun đất là sản phẩm đang khan hiếm”.
(Theo Xinhua)