Bảo hiểm xe máy là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người điều khiển xe phải mang theo khi tham gia giao thông, nếu không có, chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính.
Giá bán bảo hiểm xe máy là bao nhiêu?
Bảo hiểm xe máy là tên thường dùng để chỉ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy.
Hiện nay, mức phí bảo hiểm xe máy đang được quy định tại Phụ lục I Nghị định 67/2023/NĐ-CP như sau:
– Xe máy dưới 50 phân khối (dưới 50 cc): 55.000 đồng/năm (chưa bao gồm VAT).
– Xe máy trên 50cc: 60.000 đồng/năm (chưa bao gồm VAT).
– Xe phân khối lớn (trên 175cc): 290.000 đồng/năm (chưa bao gồm VAT).
Trường hợp mua bảo hiểm xe máy qua các app, ví điện tử, người mua còn có thể được nhận các mã giảm giá ưu đãi. Nhờ đó, số tiền thực tế phải bỏ ra để mua bảo hiểm xe máy còn ít hơn so với quy định.
Mỗi xe được cấp 01 giấy chứng nhận bảo hiểm (có thể dưới dạng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử) nếu bị mất phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại giấy này.
Bảo hiểm xe máy có mấy loại?
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, có 02 loại bảo hiểm xe máy:
– Bảo hiểm bắt buộc xe máy (Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy): Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải tham gia nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.
– Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Đâu là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm xe máy tự nguyện.
Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Tùy vào loại bảo hiểm mà đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ có sự khác biệt nhất định.
Không có bảo hiểm xe máy sẽ bị xử phạt thế nào?
Tất nhiên, khi một chính sách ra đời để có thể thực thi và phổ biến đến mọi người dân, cơ quan chức năng luôn cần áp đặt. Đó là việc cảnh sát giao thông tuần tra trên đường, có thể dừng xe khi người điều khiển vi phạm luật và chắc chắn họ sẽ yêu cầu trình chứng nhận bảo hiểm xe máy.
Điều khiển xe máy cần mang theo bảo hiểm xe
Việc xử phạt khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy được thực hiện theo điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hay các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Trên thị trường hiện đang rao bán rất nhiều loại bảo hiểm xe máy khác nhau. Tuy nhiên chỉ có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bắt buộc phải mua, còn lại đều là các loại hình bảo hiểm tự nguyện.
Người điều khiển xe máy bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy bắt buộc nhưng có thể không cần mua bảo hiểm xe máy tự nguyện. Nhưng nếu mua bảo hiểm xe máy tự nguyện mà không mua bảo hiểm xe máy bắt buộc thì sẽ bị xử phạt khi tham gia giao thông.