Sống trong thời hiện đại ngày nay, ai cũng biết giá trị của đồng tiền là vô cùng quan trọng. Việc bạn kiếm ra bao nhiêu tiền có thể quyết định thái độ của người khác đối với bạn (tôn trọng hay coi thường). Đó là câu chuyện trong ngày họp lớp của ông Chu (55 tuổi) đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Câu chuyện nguyên văn như sau:
Năm nay tôi 55 tuổi, xin làm bảo vệ cho một nhà máy ở quê. Mức lương mà tôi nhận được hàng tháng cũng chỉ được có gần 6 triệu đồng (cỡ 200 nghìn/ngày công). Cuộc sống không quá dư dả nhưng tôi cảm thấy hài lòng, có thời gian dành cho gia đình và con cháu.
Dịp cuối năm này, lớp cấp 3 của chúng tôi tổ chức họp lớp tại một nhà hàng nhỏ. Đã nhiều năm không gặp gỡ nên tôi cũng rất muốn cùng bạn bè ôn lại kỷ niệm xưa. Nhưng dường như đó chỉ là suy nghĩ của mình tôi…
Tại buổi họp lớp, phần lớn mọi người trong lớp đều xuất hiện với vẻ ngoài thành đạt. Họ đi xe ô tô và ăn mặc bóng bẩy, khoe lương 200 triệu/tháng… Ngay cả người bạn ngồi cùng bàn với tôi hồi cấp 3 hiện đang kinh doanh nhỏ cũng đóng bộ cực kỳ bảnh bao.
Nhìn lại mình, tôi cảm thấy có chút lạc lõng khi mặc một bộ đồ bình thường. Tất cả đều được mặc ngẫu nhiên, không quá cũ kỹ nhưng cũng không phải hàng xa xỉ gì và hoàn toàn không phù hợp với bầu không khí ở đây.
Đúng lúc tôi đang suy nghĩ về điều đó thì mọi người bỗng dưng sôi nổi hẳn lên, tập trung lại và chủ động trò chuyện với tôi rất thân thiện. Ban đầu tôi còn nghĩ những người bạn cũ vẫn còn nhớ đến người bạn học kém ham chơi năm xưa hoặc bản thân đã nhìn vẻ bề ngoài của họ mà đánh giá sai. Ai ngờ họ kiếm cớ trò chuyện với tôi chỉ để khoe mẽ.
“Này, đây không phải là Tiểu Chu sao? Nghe nói anh đang làm bảo vệ à? Xem ra cuộc sống của anh không mấy dễ chịu nhỉ? Hôm nào mời anh đến biệt thự nhà tôi chơi nhé!” – một người bạn cũ vừa nói chuyện với tôi vừa xắn tay áo khoe chiếc đồng hồ Rolex của mình. Những người khác cũng bàn tán rôm rả về chủ đề nhà cửa xe cộ và đồng hồ:
“Sao xây nhà mới mà không mời chúng tôi đến tân gia vậy? Nhân dịp có đông đủ mọi người ở đây, xin phép mời các bạn đến dự tiệc mừng biệt thự nghỉ dưỡng của vợ chồng tôi nhé!”
“Nghe nói anh mới tậu thêm một chiếc ô tô nữa hả? Thế thì gara ô tô trong nhà phải rộng cỡ nào mới vừa?”
“Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, tôi cũng không làm ăn được gì nhiều, chỉ mới mua thêm được mảnh đất ở quê. Sau này định về quê an dưỡng tuổi già ấy mà”
Sau cùng, mọi người đều chú ý đến tôi và cười nhạo một gã bảo vệ, thậm chí còn không có một chiếc đồng hồ xịn để đeo. Lớp trưởng của chúng tôi năm xưa nói với vẻ thương cảm: “Nếu không có, tôi có thể tặng anh một chiếc đồng hồ”.
“Nếu cậu tặng đồng hồ cho Tiểu Chu có khi cậu ấy sẽ không chịu đeo mà bán đi lấy tiền tiêu đấy!” – một ai đó nói và tất cả cười phá lên.
Lúc này tôi mới cất tiếng: “Tặng đồng hồ cho tôi thì tôi sẽ bán thật đấy. Nhưng không phải để tiêu mà mang tặng cô giáo của chúng ta. Có bao nhiêu người ở đây đã đến thăm cô khi về quê? Có bao nhiêu người biết cô đang gặp khó khăn vì bị bệnh nặng, chẳng còn sống được bao lâu nữa? Tôi có thể không có biệt thự, xe sang hay đồng hồ xịn nhưng tôi không bao giờ quên cô giáo như các anh. Buổi họp lớp với tôi như vậy là quá đủ rồi. Mọi người ở lại vui vẻ!”.
Mặc kệ cả nhóm cúi gằm mặt xuống, tôi bỏ về.
Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi năm nay đã gần 90, bệnh nặng từ nhiều năm nay. Cô không kết hôn và cũng chẳng có con cái nên chỉ có một vài học trò cũ của cô qua thăm nom, trong đó có tôi.
Hôm nay tôi đã dự định rủ mọi người đi thăm cô nhưng sau khi nghe câu chuyện của họ, tôi cảm thấy không còn gì để nói nên quyết định đi về còn hơn. Tôi cũng sẽ không bao giờ đi họp lớp nữa, chỉ mong câu nói cuối cùng đó có thể thức tỉnh bọn họ.