Vì sao người ta hay gọi các nhà hảo tâm là Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân là ai?

Mạnh Thường Quân là cụm từ thường được dùng để chỉ những người có tấm lòng tốt đẹp, hay làm từ thiện. Câu chuyện xung quanh cụm từ này không phải ai cũng biết.

Vì sao người ta hay gọi các nhà hảo tâm là ‘Mạnh Thường Quân’?

Khi nhắc đến những người có lòng tốt, hay làm từ thiện, hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người ta thường gọi những người này là “Mạnh Thường Quân”. Tuy nhiên, rất ít người biết nguồn gốc của cách gọi này.

Trên thực tế, Mạnh Thường Quân là một nhân vật lịch sử của Trung Quốc. Ông sống ở nước Tề trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, con trai của Tịch Quách Quân, tức Điền Anh, cháu của Tề Uy Vương. Do thuộc dòng dõi hoàng tộc nên cả hai cha con đều được phong tước, phong ấp Tiết Đại và đều làm đến chức Tể Tướng. Mạnh Thường Quân là người mưu trí và cũng có tài cầm binh.

 

Mạnh Thường Quân là nhân vật lịch sử của Trung Quốc.

Mạnh Thường Quân không chỉ giàu có mà còn là người vô cùng hào hiệp. Ông thích chiêu hiền đãi sĩ, giao du với nhân tài trong thiên hạ. Ông cũng thu nạp rất nhiều môn khách. Trong số các môn khách theo Mạnh Thường Quân, có những người thực sự có tài nhưng cũng có những kẻ vì miếng cơm manh áo mà đến tá túc ở nhà ông. Trong số những người tài ở phủ, nhiều người giỏi mưu lược, giỏi võ nghệ đến cầu quan tước, cũng có người là nhà văn, họa sĩ.

Một hôm, một người có tên là Phùng Hoan đến xin đi theo Mạnh Thường Quân. Nhìn thấy người này ăn mặc rách rưới, trông vô cùng nghèo khổ, Mạnh Thường Quân liền hỏi: “Ông có tài năng gì đặc biệt không”.

Đáp lại câu hỏi của Mạnh, Phùng Hoan thản nhiên trả lời: “Thưa, tôi chẳng có chút tài cán gì cả”.

Tuy nhiên, Mạnh Thường Quân không bắt bẻ gì thêm mà chỉ cười và đồng ý cho Phùng Hoan ở lại.

Phủ của Mạnh có lúc nuôi tới hơn 3000 môn khách. Về cơ bản, lương bổng của triều đình không đủ để lo cho từng đó người. Vì vậy, ông phải dựa vào tiền cho thuê đất đai ở Tiết Địa. Có một năm, không thu được tiền thuê đất, Mạnh bèn cử Phùng Hoan đi đòi. Trước khi đi, Phùng Hoan có hỏi: “Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không, thưa chủ nhân?”. Mạnh Thường Quân nghĩ một lúc rồi đáp: “Ông cứ xem ở đây thiếu gì thì đem về”.

Lúc đến Ấp Tiết, Phùng Hoan mới biết năm đó khu vực này bị thiên tai hoành hành, mùa màng thất bát khiến cuộc sống của người dân trở nên khốn khó, càng không nói đến chuyện có tiền trả phí thuê đất cho Mạnh Thường Quân. Thấy vậy, Phùng Hoan liền tập hợp mọi người lại, nhân danh Mạnh Thường Quân tuyên bố xóa hết nợ cho họ, đốt hết các khế ước vay nợ. Người dân vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân nghĩa của Mạnh.

Phùng Hoan trở về kể lại sự việc cho Mạnh Thường Quân. Mạnh nổi giận nói: “Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, bây giờ để đâu?”. Phùng Hoan trả lời: “Ông đã nói ở đây thiếu gì thì đem về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có nhân nghĩa mà thôi, tôi chỉ thay ông mua về hai chữ ‘nhân nghĩa’”. Nghe đến đây, Mạnh vô cùng tức giận nhưng không nói gì mà chỉ phất áo đi ra.

Mấy năm sau, Tề Vương tin lời bịa đặt của nịnh thần, lo lắng về việc Mạnh Thường Quân công cao hơn chúa, uy hiếp đến vương vị của mình và ban lệnh thu ấn Tể Tướng của Mạnh. Lúc Mạnh thất thế, các môn khách nối đuôi nhau bỏ đi, chỉ có Phùng Hoan ở lại.

Mạnh Thường Quân được nhiều người người nể trọng.

Mạnh Thường Quân đành cùng Phùng Hoan trở về Tiết Địa để sinh sống. Khi đó, người dân Tiết Địa nghe được tin này, già trẻ gái trai dắt nhau ra ngoài 100 dặm để đón. Thấy cảnh tượng này, Mạnh vô cùng cảm động nói với Phùng: “Nhân nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi”.

Câu chuyện này được lan truyền khắp nơi. Sự túc trí đa mưu, tầm nhìn xa trộng rộng của Phùng Hoan khiến người ta nể phục. Mạnh Thường Quân là một người không thiếu tiền nhưng lại thiếu một chút nhân nghĩa. Phùng Hoan nhận thấy điều này và đoán được rằng chắc chắn nó sẽ có tác dụng trong tương lai nên đã nghĩ ra kế hay để giúp Mạnh.