Tập thể dục là thói quen tốt giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, cần tránh “khung giờ độc” trong mùa lạnh vì có thể dễ gây đột quỵ.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định đột quỵ và thời tiết có mối liên quan với nhau. Thời tiết lạnh là mối nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ, nhất là với nhóm người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì.
Bác sĩ Minh Đức cho biết, ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 – 20% vào mùa lạnh. Thực tế tại các bệnh viện có khoảng 60 – 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nền nhiệt thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.
Lý giải điều này, vị bác sĩ cho hay khi trời lạnh, để thích nghi, cơ thể có những phản xạ co mạch máu do tuyến thượng thận tăng tiết catecholamine nhằm giữ nhiệt, tránh mất nước. Chính điều này làm cho huyết áp buổi sáng hay tăng đột ngột dễ gây ra xuất huyết não hoặc nhiệt độ giảm đột ngột cũng làm số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, làm tăng độ nhớt máu, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông gây ra nhồi máu não. Đây là 2 dạng chính của đột quỵ não.
Tập thể dục có lợi cho sức khỏe, giúp máu huyết lưu thông phòng ngừa bệnh tật, kiểm soát cân nặng, giảm stress, tạo sức bền, tạo giấc ngủ ngon, tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, chọn bài tập thể dục phải phù hợp với tuổi và bệnh tật đi kèm.
Bác sĩ Đức khuyến cáo, nên chọn khung giờ tập thể dục làm sao cho phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể. Tập thể dục buổi sáng giúp não bộ sản sinh ra endorphin (chất dẫn truyền thần kinh) – có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau.
Trong khi tập thể dục từ 14 – 18 giờ dễ giảm mỡ thừa hơn do cơ bắp, hoạt động enzym được sẵn sàng cho sức bền của cơ thể.
“Khung giờ tập thể dục cần chọn lựa tùy theo sức khỏe người tập. Không nên cố gắng dậy thật sớm trong khi đêm qua ngủ muộn và cố gắng tập trong khi trời lạnh có sương nhiều cũng dễ nhiễm bệnh.