Dưới đây là cuộc phỏng vấn đường phố ở Trung Quốc về vấn đề: Nên để bà nội hay bà ngoại chăm cháu?
Một hiện tượng xã hội phổ biến ở đại đa số gia đình ở Trung Quốc là ông bà giúp vợ chồng trẻ chăm cháu. Người trẻ cần phải làm việc, nếu đủ đầy kinh tế thì thuê bảo mẫu chăm con, nhưng nếu ông bà hai bên còn đủ sức khỏe, có thể giúp đỡ trông cháu thì cũng là cách giúp cặp đôi giảm nhẹ gánh nặng kinh tế. Trong lòng họ cũng an tâm vì giao con cho người mình tin tưởng còn hơn “người dưng nước lã”.
Cuộc phỏng vấn đường phố với những thanh niên chưa kết hôn ở Trung Quốc dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn suy nghĩ của thế hệ trẻ về vấn đề: Nên để bà nội hay bà ngoại chăm cháu?
Câu trả lời thật sự rất phong phú, đặc biệt nhất là ý kiến của hai thanh niên đã nhận được hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận từ cộng đồng mạng.
Chàng trai này lớn lên ở nông thôn thẳng thắn nói rằng: “Nếu nhà ở nông thôn thì thường bà nội sẽ chăm cháu, còn nhà ở thành phố thì tôi không rõ lắm”.
Câu trả lời rất chân thành, trực tiếp. Nhiều cư dân mạng nói rằng chàng trai này vốn chưa có nhiều suy nghĩ về vấn đề trên, anh đang nói ra tình huống từ chính trải nghiệm của chính mình.
Được biết, chàng trai này lớn lên cùng bà nội ở nông thôn, bố mẹ đi làm xa, một năm về nhà 1-2 lần, sau này lên thành phố học tập và làm việc mới mở mang tầm mắt hơn.
Cũng có chàng trai sảng khoái trả lời rằng: “ Nên để con cho bà ngoại chăm cháu, bà nội chỉ cần chịu trách nhiệm chi tiền là được. Sự sắp xếp này đòi hỏi phía nhà nội nên có điều kiện một chút, cũng có thể an tâm nếu để bà ngoại chăm cháu. Đôi bên cùng bỏ công sức, chỉ cần nói chuyện ổn thỏa thì không có gì khó khăn cả”.
Tiếp đến là chàng thanh niên đeo mắt kính này, đầu tiên anh nói: “Nếu sinh con gái thì để bà ngoại chăm vì bà có nhiều kinh nghiệm”.
Sau đó anh nói tiếp: “Nếu sinh con trai thì để mẹ tôi (tức bà nội) đích thân chăm!”.
Thế nhưng ý kiến này đã khiến cư dân mạng có chút bức xúc. Nhiều người cho rằng anh đang có tư tưởng trọng nam khinh nữ, chỉ xem trọng mẹ ruột mình, hoàn toàn xem nhẹ mẹ vợ. Cách nói “để mẹ tôi đích thân chăm” thể hiện phần nào đó sự ràng buộc, áp đặt và gia trưởng.
Một cư dân mạng đã ví von rất thú vị: “Nếu như anh đến nhà bạn ăn cơm, bạn anh ngồi xuống nói: Hôm nay để tôi đích thân cùng anh ăn cơm. Lúc đó anh sẽ nghĩ gì?”.
Chàng trai này lại cho biết: “Tốt nhất là vợ chồng nên tự chăm con. Còn nếu bà ngoại muốn chăm cháu thì nhờ bà chăm cũng được. Mẹ tôi (tức bà nội) nói sau này nghỉ hưu sẽ đi du lịch thường xuyên nên không có thời gian”.
Qua đó có thể biết mẹ của chàng trai này có tư tưởng khá phóng khoáng và tận hưởng cuộc sống. Thay vì suốt ngày ở bên cạnh con cháu, lo từng miếng tã, từng bát cơm, thì bà hy vọng cuộc sống về già không còn bó buộc mình bởi việc chăm cháu.
Mà anh cũng rất thấu hiểu cho tâm lý của người già, đủ đầy trách nhiệm với con cái tương lai của mình nếu có. Anh hiểu mẹ cần hưởng thụ, chứ không phải tiếp tục “nuôi con” thêm lần nữa.
Quan điểm của chàng trai này đã nhận được rất nhiều lượt tán đồng, “một câu trả lời mát lòng mát dạ”. Ai cũng nói anh biết suy nghĩ, mặc dù chưa kết hôn nhưng đã quán triệt tư tưởng trước, sau này không phải nhập nhằng.
Nói đi cũng phải nói lại, về vấn đề nên để bà nội hay bà ngoại chăm cháu, thật ra tốt nhất vẫn là vợ chồng tự chăm con. Về việc ông bà chăm cháu hay không còn tùy vào tình huống và điều kiện đôi bên. Lắm lúc, ông bà nội và ông bà ngoại dang tay giúp đỡ theo đúng năng lực của họ cũng là điều quý giá lắm rồi.
Con cái nên lớn lên trong vòng tay yêu thương kề bên của bố mẹ. Đương nhiên không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể làm được điều này, và rất cần đến sự trợ giúp của ông bà. Cách lý tưởng nhất vào lúc này chính là cùng ngồi xuống nói chuyện, lắng nghe và suy nghĩ cho nhau, không nghĩ rằng sự cho đi của đối phương là lẽ đương nhiên.
Nguồn: 163