Dù biết sẽ bị mắng bất hiếu nhưng cô con dâu vẫn phải làm điều này.
Câu chuyện dưới đây là chia sẻ của cô Trần Hoa (46 tuổi), được đăng tải trên trang Sohu (Trung Quốc).
Tôi tưởng rằng mình đã làm tròn đạo hiếu khi phụng dưỡng mẹ chồng suốt bảy năm. Nhưng tôi không ngờ rằng, khoảng thời gian đó vô tình mang lại sự phiền toái cho cả gia đình.
Vợ chồng tôi cưới nhau đã nhiều năm và luôn tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau. Chồng tôi là con một trong gia đình. Mẹ anh đã nhiều tuổi, lại mắc bệnh mãn tính nên không tiện đi lại. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định tôi sẽ đón mẹ đến ở chung để tiện chăm sóc, cho bà được an hưởng tuổi già.
Trong bảy năm này, tôi đã tận tâm chăm sóc mẹ chồng. Từ chế độ ăn uống hàng ngày đến vệ sinh cá nhân của bà, tôi đều tự mình làm hết, không cần thuê giúp việc. Tôi nghĩ việc làm này là thể hiện tấm lòng hiếu thảo với mẹ chồng.
Cho đến một ngày, tôi tình cờ nhìn thấy số dư trong tài khoản lương hưu của mẹ chồng. Con số trên tờ hóa đơn đó khiến tôi choáng váng – toàn bộ lương hưu của mẹ chồng tôi đã bị tiêu hết sạch! Tôi không thể tin vào mắt mình, phải kiểm tra mấy lần…
Tôi cố gắng bình tĩnh và hỏi mẹ chồng tiền đã đi đâu. Bà lưỡng lự hồi lâu không giải thích được tại sao. Sau khi tôi hỏi đi hỏi lại, bà mới ngập ngừng nói với tôi rằng toàn bộ số tiền đó được dùng để mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và khóa học về dinh dưỡng.
Tôi không thể tin vào tai mình. Mẹ chồng tôi vốn là người tằn tiện, sao đột nhiên lại trở nên hoang phí như vậy? Hơn nữa, những sản phẩm sức khỏe và khóa học mà bà nhắc đến rõ ràng là bẫy của những kẻ lừa đảo. Hiện tại bà còn minh mẫn, cớ sao lại để bị lừa dễ dàng như vậy?
Tôi cảm thấy tức giận và thất vọng. Tôi tức giận vì mẹ quá cả tin và đã trao toàn bộ số tiền lương hưu cho một kẻ dối trá. Tôi thất vọng vì bản thân nỗ lực và hy sinh suốt bảy năm, tất tả sắp xếp cả công việc lẫn kinh tế, đổi lại bà luôn giấu giếm các con một việc quan trọng như thế. Chưa kể, nếu bà tiếp tục mắc lừa, bị nợ nần thì phải làm sao?
Sau khi chồng tôi biết chuyện, chúng tôi quyết định gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Quyết định này không hề dễ dàng, chúng tôi biết làm như vậy sẽ khiến bà buồn và hụt hẫng. Nhưng tôi thực sự không còn cách nào khác. Ngoài việc chăm bà, tôi còn có công việc của mình. Tôi không thể đi bênh cạnh bà 24/7 để ngăn bà khỏi những chiêu trò lừa đảo.
Ngày đưa mẹ chồng vào viện dưỡng lão, mắt bà rưng rưng. Bà nắm tay tôi và hỏi đi hỏi lại tại sao phải làm như vậy. Tôi không nói nên lời, chỉ có thể im lặng chịu đựng sự chỉ trích.
Tôi biết quyết định này có thể khiến vợ chồng tôi bị chỉ mắng là bất hiếu. Nhưng tôi tin rằng, sẽ có một ngày mẹ hiểu ra. Chúng tôi đưa vào viện dưỡng lão là để bà có thể sống những năm cuối đời trong một môi trường an toàn và thoải mái hơn.
Sau một thời gian ở viện dưỡng lão, mẹ chồng tôi dần thích nghi với môi trường mới. Các nhân viên ở đó rất chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Dần dần, mẹ tôi làm quen được những người bạn mới và cười nhiều hơn. Tôi và chồng vẫn thường xuyên gọi điện hỏi han, vào thăm bà vào những ngày cuối tuần và đón bà về vào những ngày lễ lớn. Chuyện cũ không vui cũng dần trôi vào dĩ vãng.
Nhìn lại thời gian đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã đưa ra quyết định đúng. Tôi hiểu rằng lòng hiếu thảo không đo bằng tiền bạc, cũng không tính bằng thời gian. Lòng hiếu thảo thực sự là thấu hiểu và cho đi bằng trái tim mình. Đồng thời, tôi cũng trân trọng mối quan hệ với chồng hơn. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua khó khăn, thử thách. Tôi cảm thấy may mắn vì chồng đã hiểu và ủng hộ quyết định của tôi lúc đó.
Hiện tại, mẹ chồng sống ở viện dưỡng lão nhưng tôi vẫn không ngừng làm tròn đạo hiếu với bà. Tôi tin rằng chỉ cần chúng ta sống chân thành và biết cảm thông thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều.