Mọi người chắc ai cũng đã từng nghe câu “Làm công ăn lương thì không thể giàu” hay “Phi thương bất phú”. Ý nói những người đi làm thuê hưởng lương tháng thì chỉ đủ ăn đủ tiêu chứ không thể giàu nổi, chỉ có những người tự kinh doạn, làm ăn buôn bán thì mới phú quý được. Thực ra, quan điểm này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng.
Bạn có biết, có những ngành nghề ở Việt Nam dù là đi làm thuê thôi cũng hưởng lương lên tới 100 triệu mỗi tháng, thậm chí là hơn. Vậy đã được coi là giàu chưa nhỉ
Thứ nhất: Ngành kỹ thuật hàng không
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2015-2035, Việt Nam nằm trong top 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Kỹ thuật hàng không là ngành đào tạo ra đội ngũ nhân tài, có trình độ cao về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng,… máy bay hay các thiết bị khác liên quan đến máy bay như là động cơ sức đẩy, cơ khí, thủy khí,…
Hiện nay không có quá nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Kỹ thuật hàng không, có thể kể đến các trường như Học viện Phòng không – Không quân, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Phòng không – Không quân, Trường Đại học Văn Lang.
Là ngành học “hot” nên mức lương ngành Kỹ thuật hàng không khá cao so với mặt bằng chung. Theo những người trong ngành tùy theo trình độ, có thể chia mức thu nhập của nhân sự kỹ thuật hàng không thành 3 mức. Mức C dành cho các nhân viên bảo dưỡng định kỳ cho máy bay. Nhân sự ở mức này cần tư duy rất cao nên thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, thậm chí có những vị trí lương từ 100 triệu đồng/tháng trở lên.
Thứ hai: Ngành nhân viên quản lý thị trường quốc tế
Một trong những vị trí việc làm lương cao không nên bỏ qua, đó là nhân viên quản lý thị trường quốc tế. Vị trí này có nhiệm vụ bảo đảm hoạt động xuất – nhập khẩu suôn sẻ theo quy trình, điều khoản chung. Phương thức vận chuyển, nhân viên vận chuyển, chi phí và chiến lược phân phối đều thuộc phạm vi quản lý của vị trí này.
Đặc biệt, quản lý thị trường là một ngành học còn khá mới mẻ với cơ hội việc làm rộng mở. Trước đây, ngành quản lý thị trường không được đào tạo hệ chính quy. Hầu hết, những người làm trong cục quản lý thị trường đều học thuế hoặc hải quan.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã kết hợp với trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân mở ra chuyên ngành chuyên đào tạo về quản lý thị trường. Đây cũng là chuyên ngành quản lý thị trường đầu tiên đào tạo bàn bản về các nghiệp vụ liên quan. Năm 2023, điểm chuẩn của chuyên ngành Kinh doanh thương mại (Chương trình Quản lý thị trường) tại Đại học Kinh tế quốc dân là 27,35.
Tuy là một ngành mới nhưng mức lương trong nghề được đánh giá rất hấp dẫn. Mức lương trung bình dành cho nhân viên quản lý thị trường quốc tế rơi vào khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng, vị trí quản lý là 69 – 100 triệu đồng/tháng và giám đốc chuỗi cung ứng là 5.000 – 6.000 USD/tháng (tương đương 100 – 140 triệu đồng/tháng).
Thứ ba: Ngành công nghệ bán dẫn
Ngành chip bán dẫn hay còn gọi là ngành công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực trong công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các thành phần điện tử dựa trên tinh thể bán dẫn (semiconductor) – loại vật liệu có thể điều khiển dòng điện. Đây là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, từ điện thoại thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến việc áp dụng Internet vạn vật (IoT), 5G hoặc lĩnh vực ô tô…
Ngành công nghệ bán dẫn rất có tương lai ở thị trường Việt Nam nhưng theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam chỉ cung cấp được 20% nhu cầu nhân lực. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.
Nhân lực ngành này mới ra trường có thu nhập sau thuế mỗi năm gần 220 triệu đồng, với những người có kinh nghiệm lâu năm lên đến 1,5 tỷ đồng. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM là những trường đi đầu về giảng dạy ngành công nghệ bán dẫn.
Thứ tư: Ngành Công nghệ kỹ thuật hạt nhân
Kỹ thuật hạt nhân được xem là ngành có tiềm năng trong tương lai, nhằm khai thác năng lượng dựa trên cơ sở máy móc thiết bị quy trình hiện đại. Ngành học này đang được nhiều trường đại học top đầu trên cả nước đào tạo như ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM),…
Là một sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân, bạn sẽ được trang bị các kiến thức để áp dụng vào việc thiết kế, phát triển và đánh giá hoạt động của các hệ thống kiểm soát, thao tác năng lượng hạt nhân. Cụ thể, các hoạt động bao gồm thiết kế nhà máy điện hạt nhân, thiết kế lò phản ứng phân hạch, lò phản ứng nhiệt hạch, điều khiển lò phản ứng và thiết kế hệ thống an toàn. Ngoài ra, sinh viên ngành sẽ được học phân tích các vấn đề kỹ thuật liên quan như quá trình phân hạch, nhiệt hạch, các yếu tố con người và môi trường…
Riêng trong lĩnh vực y tế, chương trình đào tạo cung cấp cho người học các kiến thức như kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y học hạt nhân, kỹ thuật xạ trị.
Mức lương của ngành học này cũng vô cùng hấp dẫn, dao động từ 15 triệu đến 40 triệu đồng/tháng. Ở vị trí quản lý làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, mức lương có thể tới 100 triệu/tháng.
Thứ năm: Ngành thiết kế vi mạch
Thiết kế vi mạch là một lĩnh vực chuyên môn tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các chip điện tử, hay mạch tích hợp (IC – Integrated Circuit). Đây là một phân nhánh của Kỹ thuật Điện – Điện tử nhằm tạo ra các mạch tích hợp trên nền tảng các chip bán dẫn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo ngành nghề, điển hình là logistics hay chip bán dẫn khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Dự báo trong 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới mỗi năm cần khoảng 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Mức lương trong ngành này vô cùng hấp dẫn. Nhân sự có chất lượng, trình độ chuyên môn cao có thể tới cả trăm triệu/tháng.
Nhằm đón đầu nhu cầu thị trường, đáp ứng “cơn khát” nhân lực, nhiều trường đại học đã tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo ngành này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại Đại học Bách khoa, điểm chuẩn theo phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của thiết kế vi mạch là 83,6/100 điểm; Đại học Công nghệ Thông tin theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn là 910/1.200; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM theo phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh đạt giải cấp tỉnh, giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia và phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, top 200 các trường THPT, ngành thiết kế vi mạch cùng có mức điểm chuẩn khá cao là 26,35 điểm…