“Thằng kỹ sư như mày, làm hì hục cả tháng không bằng tao cho thuê một căn nhà, làm cả đời không bằng tiền lời tao bán một miếng đất”.
Tôi là dân tỉnh lẻ, lên TP HCM học rồi ở lại định cư. Ra trường, đi làm đến nay đã được năm năm, mức lương thực nhận của tôi là 20 triệu đồng một tháng. Và tất nhiên, tôi vẫn đang ở nhà thuê. Ông chủ nhà trọ của tôi là dân thành phố, không nghề nghiệp gì. Ông có 12 căn nhà cho thuê, thu nhập mỗi tháng khoảng trên dưới 250 triệu đồng (gấp hơn 12 lần cử nhân đại học như tôi).
Sáng hôm trước, hai chú cháu ngồi cà phê trước nhà, đang nói chuyện thì ông vui mồm phán: “Thằng kỹ sư như mày, làm hì hục cả tháng không bằng tao cho thuê một căn nhà, làm cả đời không bằng tiền lời tao bán 1 miếng đất”. Thú thật, nghe xong những lời ấy, tôi có chút chạnh lòng, nhưng quả thật ông nói đúng.
Tôi học ở một trường top tại TP HCM, có tới hai bằng đại học, một bằng Thạc sĩ, mà lương tháng cũng chỉ 20 triệu đồng, gọi là đủ ăn, đủ sống và có một ít tích lũy. Nhìn lên thì có thể tôi chẳng bằng ai, nhưng đó cũng tạm gọi là thành quả sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ. Tôi chưa có vợ con, lối sống đơn giản, lành mạnh và tiết kiệm. Mỗi tháng nhận lương, sau khi trừ đi tiền ăn, tiền nhà, xăng xe, hiếu hỷ và chi tiêu lặt vặt, tôi để dư được khoảng 10 triệu đồng.
Làm một bài toán đơn giản thế này, nếu mỗi tháng tôi dư được 10 triệu đồng, thì một năm tôi có 120 triệu đồng. Sau 20 năm đi làm, nếu không đau ốm, bệnh tật gì, tôi sẽ dành dụm được khoảng 2,4 tỷ đồng. Số tiền này ở thời điểm hiện tại, nếu chịu khó săn tìm, có lẽ tôi cũng sẽ mua được 1 căn nhà siêu nhỏ trong hẻm tại khu vực giáp ranh Sài Gòn – Bình Dương, hoặc một căn hộ hai phòng ngủ tận dưới Quận 9.
Còn với ông chủ nhà trọ của tôi, riêng dãy trọ tôi đang thuê, mỗi tháng mang về dòng tiền ổn định cho ông khoảng 40 triệu đồng. Còn các căn nhà khác cũng đâu đó từ 15 đến 60 triệu đồng một tháng (tùy căn lớn, nhỏ). Như vậy, bình quân mỗi tháng, ông có thu nhập 250 triệu đồng. Thu nhập cao là thế nhưng ông chẳng phải đóng một đồng tiền thuế nào, còn khi nào có đoàn từ thiện về khu phố cho quà thì ông luôn là một trong những người xếp hàng đầu tiên.
Ông có một đứa con trai, hồi cậu ấy đi lấy vợ, ông đã cho hẳn một căn nhà để vợ chồng con ra ở riêng. Vợ ông mất sớm, giờ ông ở một mình trong chính dãy nhà trọ mà tôi đang thuê. Tính tình ông cũng hiền lành, ăn uống đơn giản, chỉ hút thuốc và uống trà, mỗi tháng ông chi tiêu chưa tới 3 triệu đồng. Tiền thu được từ việc cho thuê nhà hằng tháng, ông để dồn lại, khi được một khoản kha khá, ông lại vay thêm chút ít để mua 1 căn nhà mới và tiếp tục mở rộng số bất động sản cho thuê.
Ông kể rằng, ngày xưa, trước khi mất, cha mẹ ông để lại cho ông 10 cây vàng và một căn nhà. Căn nhà thì ông ở, còn 10 cây vàng ông bán hết rồi lấy tiền ra khu Gò Vấp, Thủ Đức mua đất. Hồi đó đất nhiều, lại rẻ, mua đất tính bằng sào. Sau này người dân đổ về thành phố sinh sống nhiều, đất lên giá, ông chia nhỏ ra bán, tính theo mét vuông, nên lãi to. Đại khái là ông bán một căn, mua lại hai căn, rồi cứ thế cho thuê, lấy tiền, và lại tiếp tục đi mua nhà, cho thuê… Cứ thế, đến bây giờ, ông đã có hơn chục căn nhà.
Ông kể với vẻ mặt rạng ngời và giọng văn đầy tự hào. Ông cười khà khà và chốt lại bằng câu: “Chúng mày học cao hiểu rộng rồi cũng phải đi ở nhà thuê của tao”. Ông giàu chẳng phải nhờ năng lực hay cố gắng gì cả. Ông được cha mẹ để lại tiền bạc và giàu lên nhờ hưởng lợi từ quá trình đô thị hoá nhanh chóng.
Nghĩ lại, tôi cảm thấy buồn cho những người trẻ thế hệ đầu và giữa 9X như chúng tôi. Chúng tôi đến thành phố học tập và làm việc khi mặt bằng giá nhà đất đã quá cao. Trong số chúng tôi, trừ một số rất ít cá nhân có năng lực vượt trội, đủ khả năng mua được nhà, còn lại đối với đại đa số, ước mơ sở hữu một nơi an cư lạc nghiệp ở mảnh đất này dường như là quá xa vời.