Để chào mừng bố lên chơi, hôm đó, tôi và chồng đã chuẩn bị một bữa tối rất thịnh soạn. Nhưng trong lúc ăn cơm, tôi thấy chồng mình rất lạ, anh ấy liên tục đá chân tôi dưới bàn ăn.
Bố mẹ nuôi của tôi đều không có con nên từ khi tôi được mang về chăm sóc, cả nhà ai cũng đều yêu thương, coi tôi như báu vật. Nhưng thời gian êm ấm, hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Năm tôi lên 3 tuổi thì mẹ nuôi đột ngột qua đời vì bệnh hiểm nghèo, để lại hai bố con bơ vơ, cảnh gà trống nuôi con vất vả biết bao.
Sau cái chết của mẹ nuôi, bố nuôi đã phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để lo cho tôi ăn học. Ông luôn nói với tôi: “Tuổi thơ con đã bất hạnh vì không có được sự yêu thương của bố mẹ ruột nên bố sẽ cố gắng hết sức để con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, như vậy mới có thể bù đắp cho những thiệt thòi con đã phải chịu”.
Mặc dù chỉ là con nuôi nhưng bố luôn dành những gì tốt nhất cho tôi không khác gì con đẻ. Tình thương của bố như nguồn động lực lớn lao giúp tôi vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Sau bao ngày tháng miệt mài đèn sách, tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình là được nhận vào một trường đại học trên thành phố.
Mặc dù, tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu nhưng để tôi có đủ tiền sinh hoạt trang trải việc học hành, bố vẫn cố gắng làm việc miệt mài, điều ấy khiến tôi càng thêm thương và kính trọng bố nhiều hơn. Những năm tháng học đại học, tuy khá chật vật với những nỗi lo toan nhưng bù lại, quãng thời gian ấy đã giúp tôi trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Sau khi học xong, tôi nhanh chóng xin được việc ở một công ty tư nhân. Mức lương cũng khá ổn so với một đứa mới ra trường như tôi. Từ khi đi làm, hàng tháng tôi sẽ trích một phần lương để gửi về nhà để bố chi tiêu thêm. Do muốn phấn đấu cho sự nghiệp nên tôi ít khi về nhà hơn, tần suất về thăm nhà của tôi ngày một thưa dần, thậm chí còn đếm được trên đầu ngón tay.
Ba năm sau, tôi kết hôn. Dường như cuộc sống của tôi ngày càng bận rộn hơn khi phải xoay quanh những mối lo về công việc, cơm áo gạo tiền và các mối quan hệ bên nhà chồng. Tôi không còn nhớ chính xác đã bao lâu rồi mình chưa về quê thăm bố nữa.
Hôm vừa rồi, bố gọi điện báo tin sẽ lên thành phố thăm vợ chồng tôi. Tôi nghe mà vừa mừng vừa thương bố. Chắc bố buồn và cô đơn lắm khi phải sống một mình trong căn nhà cũ ở quê nên mới phải lặn lội lên đây thăm tôi.
Để chào mừng bố lên chơi, hôm đó, tôi và chồng đã chuẩn bị một bữa tối rất thịnh soạn. Nhưng trong lúc ăn cơm, tôi thấy chồng mình rất lạ, anh ấy liên tục đá chân tôi dưới bàn ăn. Bực mình, tôi trừng mắt nhìn chồng, nhưng anh ấy không biết ý dừng lại mà vẫn tiếp tục đá chân. Bất giác tôi nhìn xuống dưới xem có chuyện gì không thì một cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi sửng sốt.
Đôi tất trên chân của bố nuôi tôi nó rách đến mức dù đã vá chằng vá đụp mà vẫn bị thò 1, 2 ngón chân ra bên ngoài. Nhìn thấy đôi tất của bố mà sống mũi tôi cay xè, tôi nói với bố trong nước mắt: “Bố, tại sao đôi tất của bố rách thế rồi mà bố vẫn cố đi làm gì. Sao bố không mua cái mới mà đi?. Số tiền con gửi cho bố hàng tháng không đủ ạ?”.
Lúc này, bố mới lấy từ trong túi quần ra một cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng và nói: “Tiền của con đây, bố chưa tiêu một đồng nào cả. Bố già rồi, không cần tiêu nữa. Vợ chồng con vẫn còn trẻ, phải tiêu nhiều thứ, nhất là khi lại ở một thành phố lớn, mọi thứ đều đắt đỏ thế này. Bố lên đây cũng chỉ là muốn đưa cho con cuốn sổ này thôi, con hãy giữ lấy nhé”.
Những lời bố nói khiến cả tôi và chồng xúc động rơi nước mắt. Tôi không ngờ bố lại thương mình nhiều như vậy. Suốt thời gian qua, tôi cứ nghĩ mình gửi tiền về lo cho bố, như vậy là có thể làm tròn chữ hiếu nhưng tôi đã nhầm. Dù cuộc sống của bố rất khổ cực, tuổi già sức yếu không làm ra tiền nhưng bố vẫn không tiêu số tiền tôi gửi về vì thương và lo cho tôi. Tất cả những việc bố làm đều là vì tôi, vậy mà tôi đã sống vô tâm quá. Tôi luôn lấy lý do cho công việc mà quên đi mất những người quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
Tôi muốn đưa bố lên đây sống cùng để tiện chăm sóc, một mình ông ở dưới quê, lúc ốm đau tôi không yên tâm. Nhưng ngặt một nỗi, chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà, anh ấy cũng vẫn còn bố mẹ nữa. Liệu tôi đón bố lên đây, bên nhà chồng có trách tôi không? Phải làm sao để vẹn cả đôi đường đây mọi người?