Mẹ chồng tôi đã mất nhưng con trai 4 tuổi liên tục nói ‘tối nào con cũng được ngủ với bà nội’

Đây là câu chuyện thật đã xảy ra trong gia đình tôi. Tôi cũng không biết ở các gia đình khác thì sẽ xử lý chuyện này như thế nào!

Chuyện là trong gia đình tôi, ngoại trừ bố mẹ thì cậu con trai đặc biệt bám dính bà nội. Vì từ khi thằng bé lọt lòng thì bà là người chăm sóc chính. Mẹ chồng đã bỏ mọi công việc dưới quê lên, và sống với gia đình tôi cũng đã được vài năm, đến nay con trai đã sắp bước vào độ tuổi lên 4.

hình ảnh

Mẹ chồng vốn là người sống rất lành mạnh, sức khoẻ bà từ xưa đến nay vẫn tốt nên vợ chồng mới ngỏ lời nhờ bà lên nhà trông nom cháu để chúng tôi tập trung làm việc kiếm tiền. Nào ngờ vài tháng trước bà bất ngờ đổ bệnh. Vợ chồng chạy chữa khắp nơi nhưng không có tiến triển gì, và rồi chuyện không ai mong muốn cũng xảy ra, bà nội của con trai tôi cứ thế rời xa cõi nhân gian này.

Từ ngày mẹ chồng mất, con trai liên tục hỏi về bà, thế nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ giải thích rõ cho thằng bé về sự ra đi của người bà mà nó thương yêu nhất. Trước mặt con, dù đau buồn hay nhớ nhung ra sao, chúng tôi vẫn luôn cố gắng giữ tinh thần tích cực vì không muốn con bị sốc hay ảnh hưởng tâm lý nếu biết sự thật.

Nào ngờ tối hôm trước, một chuyện xảy ra ở phòng ngủ của con khiến trái tim tôi đau như thắt lại, tôi cứ thế bật khóc như mưa. Chuyện là trước khi con đi ngủ, tôi có vào phòng con để kiểm tra và trò chuyện với bé, tôi hỏi thăm con đủ thứ nhưng không hề nhắc đến bà nội của nó. Sáng hôm sau trong bữa ăn, con bỗng dưng khoe với bố mẹ rằng tối nào cũng ngủ rất ngon vì luôn có bà nội bên cạnh. Tôi và chồng đều tá hỏa trước lời nói của con trai. 

hình ảnh

Nghi có điều gì đó không ổn, tôi và chồng đã nhanh chóng kiểm tra camera trong phòng ngủ của thằng bé. Lúc này, tôi mới giật mình khi thấy con lấy từ trong tủ ra một tượng gỗ nhỏ khắc hình bà và cháu, sau đó đứa trẻ còn vuốt ve rồi đặt xuống bên cạnh giường, miệng thỏ thẻ nói: “Bà ơi, cháu nhớ bà lắm, cháu đã nghe lời bà là sẽ ngoan ngoãn với bố mẹ dù bà vắng nhà. Cháu rất thích món quà bà tặng, nhưng cháu buồn vì bà đi đâu lâu về quá, bà nhanh về với cháu nhé”.

Chứng kiến cảnh tượng này, tôi mới thực sự dần hiểu ra mọi chuyện. Hoá ra trước khi mất, mẹ chồng đã kịp để lại cho cháu trai một món quà làm kỷ vật. Thế nhưng có lẽ bà cũng không nói rõ với thằng bé về sự ra đi mãi mãi của mình, sợ cháu buồn nên mới có tình huống trên xảy ra.

Cũng giống như mẹ chồng, thương con nên đến nay tôi vẫn giấu nhẹm về cái chết của bà nội thằng bé, nhưng sau khi trông thấy tình huống này, có lẽ tôi không thể nào tiếp tục như thế nữa, tôi nghĩ đã đến lúc tôi cần ngồi lại với con và thành thật cho đứa trẻ biết về sự mất mát của gia đình. Tôi nghĩ đây là việc đúng đắn và nên làm, không sớm cũng muộn nhưng càng sớm thì sẽ giảm thiếu được tối đa những tổn thương dành cho con trai. 

hình ảnh

Làm sao để giải thích với trẻ nhỏ rằng ông/bà đã qua đời?

Việc giải thích cho trẻ nhỏ rằng người ông hoặc bà mà chúng yêu quý đã qua đời là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự tinh tế và nhẹ nhàng. Trẻ em thường chưa hiểu rõ về cái chết, vì vậy cách bạn giải thích không chỉ giúp trẻ nhận thức về sự mất mát mà còn ảnh hưởng đến cách trẻ đối diện với nỗi đau trong tương lai.

1. Lựa chọn thời điểm và không gian thích hợp

 

Hãy chọn một thời điểm mà trẻ cảm thấy thoải mái, không bị xao nhãng để chia sẻ tin buồn này. Không gian nên yên tĩnh và riêng tư, giúp trẻ tập trung vào những gì bạn đang nói và cảm thấy an toàn khi bày tỏ cảm xúc.

2. Giải thích đơn giản và trung thực

 

Dùng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Với trẻ nhỏ, bạn có thể nói rằng: “Ông/bà đã đi đến một nơi rất xa và không thể trở lại với chúng ta nữa.” Tránh dùng những cụm từ dễ gây nhầm lẫn như “ông/bà đang ngủ” vì trẻ có thể hiểu sai rằng ông/bà sẽ tỉnh dậy. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể giải thích rõ hơn về cái chết, nhưng vẫn cần đảm bảo sự nhẹ nhàng và phù hợp với tâm lý của trẻ.

3. Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc

 

Hãy để trẻ khóc nếu chúng muốn, và khuyến khích chúng chia sẻ cảm xúc. Nói với trẻ rằng cảm giác buồn, nhớ nhung là bình thường khi mất đi người thân yêu. Hãy kiên nhẫn lắng nghe những câu hỏi của trẻ, dù đôi khi chúng có vẻ ngây ngô.

4. Giải thích về ý nghĩa của sự sống và cái chết

 

Bạn có thể dùng hình ảnh dễ hiểu, như sự thay đổi trong tự nhiên. Ví dụ, nói rằng: “Giống như những chiếc lá rụng vào mùa thu để cây có thể nảy lộc vào mùa xuân, sự ra đi của ông/bà là một phần của cuộc sống.” Điều này giúp trẻ hiểu rằng cái chết là quy luật tự nhiên.

5. Kỷ niệm người đã khuất

 

Khuyến khích trẻ nhớ về những kỷ niệm đẹp với ông/bà. Bạn có thể cùng trẻ làm một bức tranh, viết một lá thư cho ông/bà, hoặc thắp hương để tưởng nhớ. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy gần gũi hơn với người đã khuất mà còn giúp chúng đối mặt với nỗi đau.

6. Luôn đồng hành và hỗ trợ trẻ

 

Trẻ nhỏ cần thời gian để chấp nhận sự mất mát. Hãy luôn sẵn sàng trò chuyện và an ủi khi trẻ cần. Quan trọng nhất, hãy cho trẻ biết rằng bạn luôn ở bên chúng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ mọi cảm xúc.

Giải thích về cái chết cho trẻ nhỏ không chỉ là cách giúp chúng hiểu mà còn là cơ hội dạy trẻ về giá trị của cuộc sống và tình yêu thương trong gia đình.