Theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 59/2022 về định danh và xác thực điện tử, Bộ Công an đề xuất bổ sung đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi được cấp tài khoản định danh điện tử.
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Dự thảo nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về định danh, xác thực điện tử, căn cước điện tử.
5 trường hợp bị khóa căn cước điện tử
Theo quy định tại Luật Căn cước, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử có danh tính điện tử (số định danh; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày tháng năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay), một số thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Ngoài ra, một số thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định cũng sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
“Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2” – dự thảo nêu rõ và cho hay việc sử dụng căn cước điện tử thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn năm năm kể từ thời điểm sử dụng.
Luật Căn cước có hiệu lực từ 1-7 cũng quy định rõ năm trường hợp khóa căn cước điện tử. Cụ thể, (1) khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; (2) khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; (3) khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; (4) khi người được cấp căn cước điện tử chết; (5) khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Ngoại trừ trường hợp người được cấp căn cước điện tử qua đời thì việc mở khóa sẽ được thực hiện trong bốn trường hợp còn lại. Theo đó, dự thảo nghị định đề xuất hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động rà soát, kiểm tra và mở khóa căn cước điện tử khi không còn căn cứ khóa căn cước điện tử.
Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị mở khóa căn cước điện tử tới đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi gần nhất để tiếp nhận, xử lý.
Trong thời hạn một ngày kể từ ngày nhận được đề nghị mở khóa căn cước điện tử thì nơi tiếp nhận đề nghị phải xem xét, chuyển đề nghị mở khóa căn cước điện tử đến thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an để xem xét, phê duyệt.
Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất chuyển đến, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xem xét, phê duyệt và thông báo tới cơ quan đề nghị mở khóa căn cước điện tử và công dân.
“Trường hợp từ chối mở khóa căn cước điện tử thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do” – dự thảo nêu rõ.
Trẻ dưới 6 tuổi được cấp định danh điện tử mức 1
Một điểm đáng lưu ý nữa tại dự thảo lần này đã bổ sung quy định cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 2 đối với người dưới 6 tuổi, từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và trên 14 tuổi.
Theo đó, công dân từ đủ 6 tuổi trở lên đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2. Công dân dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ căn cước được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1.
Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới 6 tuổi cũng được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1; từ đủ 6 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2.
Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử của cơ quan, tổ chức không phân phân biệt theo mức độ.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 59/2022, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp tài khoản định danh điện tử. Trường hợp trẻ dưới 14 tuổi thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Theo dự thảo nghị định, Dinhdanhdientu.gov.vn, vneid.gov.vn là trang thông tin định danh điện tử do Bộ Công an tạo lập, phát triển từ hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Địa chỉ này sẽ phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử; phát triển các tính năng, tiện ích, ứng dụng để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân.