ác cơ quan chức năng hiện nay đang thanh, kiểm tra và tịch thu vàng các doanh nghiệp bán vàng không có hóa đơn, chứng từ. Nhiều người thắc mắc vậy cá nhân mua vàng không có hóa đơn chứng từ khi đi bán có bị tịch thu không? Nhiều người mua chỉ có “giấy bảo đảm”
Đọc các thông tin tịch thu vàng không rõ nguồn gốc, chị Thanh Thảo (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lo lắng cho biết nhiều năm nay chị mua nhẫn, vòng vàng ở một số tiệm quanh khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), nhưng chỉ có giấy bảo đảm ghi nhận thông tin về trọng lượng, chất lượng, giá… chứ không có hóa đơn. Khi cần bán, chị Thảo mang sản phẩm cùng giấy này ra tiệm vàng, nhân viên sẽ kiểm tra lại sản phẩm và ra giá thu lại tùy theo hiện trạng.
Người mua vàng được khuyến cáo phải lấy hóa đơn
“Lâu nay người mua vàng ở tiệm nào thường bán cho tiệm đó. Chẳng may tiệm vàng có đóng cửa, mang qua tiệm khác sẽ bị ép giá nhiều. Nay nghe nói các tiệm vàng bán vàng phải có hóa đơn cho khách, vậy người bán vàng không có hóa đơn thì không biết tiệm có thu mua không, người bán không có hóa đơn, chứng từ có bị tịch thu không?”, chị Thảo thắc mắc.
Chị B.N (ngụ Q.2, TP.HCM) cũng có cùng lo lắng vì trước nay chị vẫn tiết kiệm bằng cách mỗi tháng mua 1 chỉ vàng “bỏ ống”. “Tôi mua vàng nhẫn 4 số 9 của tiệm vàng lớn nhưng không có hóa đơn gì hết, vậy giờ mang đi bán có vi phạm hay bị tịch thu không?”, chị B.N hỏi.
Chủ tiệm vàng trên địa bàn Q.8, TP.HCM có hơn 40 năm bán vàng trả lời trường hợp khách mang bán vàng, nhất là dây chuyền mà bị đứt, không có giấy biên nhận hay giấy tờ gì thì tiệm không dám mua lại vì sợ mua phải hàng cướp giật. Nếu cơ quan chức năng điều tra thì phải nộp lại. Dù vậy vị này thừa nhận một số sản phẩm trong quầy hiện nay mua từ các đơn vị sản xuất từ nhiều năm trước, tiệm không có lưu trữ chứng từ nên không biết phải chứng minh nguồn gốc như thế nào. “Tiệm đành phải mang hết những sản phẩm trên vào cất, không trưng bày trên quầy vì sợ bị tịch thu”, vị này nói.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM khẳng định trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị tịch thu theo quy định. Theo quy định, thì vàng, vàng trang sức mỹ nghệ được kinh doanh bảo đảm có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có tài liệu kèm theo hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan, đặc biệt là việc chấp hành quy định của pháp luật về chế độ kế toán đối với hàng hóa.
Bảo vệ quyền lợi của chính mình
Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng không có quy định nào tịch thu vàng khi cá nhân bán vàng mà không có chứng từ. Chỉ có một trường hợp cá nhân khi vận chuyển vàng trên đường mà cơ quan chức năng có kiểm tra thì sẽ phải có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc hàng hóa. Nếu không chứng minh được thì bị truy thu thuế và phạt. Vàng chỉ bị tịch thu khi là hàng lậu.
Theo ông Tú, tình trạng giá vàng trong nước cao hơn quốc tế rất nhiều nên khiến vàng lậu thẩm thấu vào thị trường trong nước. Vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện các vụ vàng lậu. Chẳng hạn vụ buôn lậu vàng 6 tấn và một số tiệm vàng tại TP.HCM, Hà Nội cũng như tỉnh thành khác tiêu thụ số vàng này.
“Những người mua bán vàng phải có hóa đơn chứng từ thì thị trường vàng sẽ minh bạch hơn ở đầu ra và đầu vào. Tuy nhiên mọi thứ không thể tuyệt đối. Người tiêu dùng mua vàng không có thói quen lấy hóa đơn bởi sợ lấy thì số tiền trả cao hơn, lấy hóa đơn cũng không biết làm gì. Còn nguồn vàng trên thị trường trôi nổi, doanh nghiệp vàng được thực hiện bảng kê, ghi giấy biên nhận vàng khi cá nhân bán vàng cho tiệm… Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát để xử lý vi phạm nếu có”, ông Tú cho hay.
Cùng quan điểm, luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại TP.HCM, cho hay luật không có quy định cá nhân bán vàng mà không có giấy tờ thì bị tịch thu. Tuy nhiên, người mua vàng nên lấy hóa đơn để bảo đảm quyền lợi của chính mình. Thực tế, có một điều bất thành văn là người mua vàng tiệm nào bán tiệm nấy. Bởi tiệm này ghi vàng 4 số 9 nhưng qua tiệm khác thì khi thử lại, tiệm báo không đủ chất lượng. Trong trường hợp tranh chấp thì biên nhận vàng trong giao dịch như thời gian qua không đủ tính pháp lý bằng hóa đơn, nên người tiêu dùng cần lấy hóa đơn để được bảo vệ quyền lợi. Theo quy định hiện nay, mua bán với giá trị trên 200.000 đồng đã phải xuất hóa đơn nên mua bán vàng thực hiện là điều đương nhiên.
Theo ông Hưng, hóa đơn có tính pháp lý cao hơn so với biên nhận vàng nên người mua nên yêu cầu các tiệm bán vàng xuất hóa đơn, trường hợp hóa đơn điện tử được gửi qua mail thì có thể còn lưu lại.
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Trường hợp cá nhân không kinh doanh mà mang vàng đến bán cho doanh nghiệp thì không có hóa đơn để cung cấp, lúc này doanh nghiệp lập bảng kê mua hàng theo mẫu 01 ban hành kèm theo.