Lần đầu tiên, cơ chế chi tiền thưởng khuyến khích người dân tố giác vi phạm giao thông được chính thức đề xuất trong một văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.
Theo dự thảo, cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép lực lượng Công an sử dụng nguồn kinh phí này để chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
Theo đó, mức chi cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông không quá 5 triệu đồng/1 vụ việc.
Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Đây là lần đầu tiên, cơ chế chi tiền để thưởng cho người cung cấp thông tin về trật tự an toàn giao thông được chính thức đề xuất trong một văn bản quy phạm pháp luật, nhằm áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Trước đó, hồi năm 2023, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước có cơ chế thưởng tiền cho người dân 10 triệu đồng/ tin (vụ việc), nhưng chỉ thưởng trong lĩnh vực tin báo phòng, chống tham nhũng.
Trở lại với lĩnh vực an toàn giao thông. Trước đây, việc kêu gọi toàn dân tham gia cung cấp thông tin về các vi phạm trật tự an toàn giao thông đã được nhiều địa phương và đơn vị thực hiện.
Công an ở nhiều địa phương cũng đã công khai trang Zalo, đường dây nóng, đề nghị người dân tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, việc tố giác chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, chưa có cơ chế trả tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin có giá trị.
Vì vậy, đề xuất cơ chế thưởng tiền của Bộ Công an lần này là một bước tiến quan trọng, rất đáng hoan nghênh nhằm khuyến khích người dân chủ động hơn trong việc tố giác vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Song cơ chế này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong việc trao thưởng.
Với đề xuất này, dĩ nhiên Công an không phải dùng tiền để kêu gọi tố giác vi phạm, mà chỉ khuyến khích sự chủ động của người dân như đã nói.
Nhưng nếu việc “khuyến khích” không được thực hiện một cách khéo léo, lành mạnh với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và công bằng, rất dễ dẫn đến tình trạng người dân vì tiền mà báo tin và vì tiền mà báo cáo thông tin không chính xác!
Nguồn: https://amp.laodong.vn/su-kien-binh-luan/thuong-tien-nguoi-to-giac-vi-pham-giao-thong-la-buoc-tien-1379259.ldo