Sau khi dùng dùng thuốc long đờm 1 ngày, trẻ xuất hiện mảng đỏ da tăng dần, sau đó bề mặt da có nhiều mụn mủ chi chít ở hai bên da đầu ngực, lưng, chân, tay…
Vừa qua, Trung tâm Y tế Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi 13 tuổi bị mụn mủ toàn thân do tự ý dùng thuốc long đờm.
Trước đó, ngày 21/3 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nổi mụn mủ chi chít toàn thân. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhi bị viêm long đường hô hấp nên tự đến quầy thuốc mua thuốc không rõ loại (được cho là kháng sinh).
Sau 1 ngày uống thuốc viêm long đường hô hấp trẻ bị mụn mủ toàn thân
Sau dùng thuốc 1 ngày trẻ xuất hiện mảng đỏ da tăng dần, sau đó bề mặt da có nhiều mụn mủ kích thước 2-3mm phân bố đối xứng hai bên ở da đầu ngực, lưng, chân, tay, ngoài ra không sốt. Không ghi nhận khác ở lưỡi, đau khớp cũng như bệnh lý nền khác.
Qua hội chẩn bác sĩ chuyên khoa da liễu người bệnh được chẩn đoán: Hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP). Được xử trí biện pháp chăm sóc hỗ trợ tại bệnh viện (bao gồm bù dịch và điện giải) corticosteroid toàn thân và tại chỗ, thuốc kháng histamin đường uống, được tư vấn về bệnh, không tái sử dụng các thuốc đã dùng trước đó.
Sau 3 ngày theo dõi, hầu hết mụn mủ, hồ mủ tróc bong nhiều vảy, không nổi thêm mụn mới. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Thuốc long đờm là gì?
Ảnh minh họa
Đờm được niêm mạc đường hô hấp tiết ra với mục đích duy trì độ ẩm và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Nếu tình trạng viêm đường hô hấp xảy ra sẽ gây tiết ra nhiều đờm hơn, dẫn đến các triệu chứng ho có đờm, ngứa và đau họng
Các thuốc long đờm có tác dụng làm chất nhầy ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn, được sử dụng phổ biến trong các trường hợp ho có đờm.
Các thuốc này làm tăng tiết dịch trên đường hô hấp, làm tăng thể tích và giảm độ nhớt của các chất tiết. Đồng thời, làm tăng hoạt động của hệ thống lông mao tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh các chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Đó là các hoạt chất guaifenesin, ipecacuanha, muối amoni, muối iod, natri benzoat, terpin hydrate…
Các thuốc này làm thay đổi cấu trúc đờm bằng cách bẻ gãy các cấu trúc hóa học liên kết trong đờm (cầu nối disulphur, cầu nối oligosaccharides) tuy nhiên không làm tăng thể tích hay khối lượng đờm, chỉ giảm độ nhớt và độ quách của đờm do đó đờm dễ bị tống ra ngoài khi ho khạc. Đó là các hoạt chất acetylcystein, ambroxol, bromhexin, carbocysteine…
Lạm dụng thuốc long đờm gây ra biến chứng gì?
Ảnh minh họa
Việc tự ý dùng thuốc khi không được thăm khám và tư vấn bởi nhân viên y tế có thể không kiểm soát được các bệnh lý hô hấp. Đây là nguyên nhân gây ra biểu hiện ho có đờm dẫn đến các triệu chứng trên tái đi tái lại nhiều lần.
Các thuốc long đờm còn gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
– Các thuốc loãng đờm: Bên cạnh cơ chế tăng bài tiết dịch tại đường hô hấp, thuốc đồng thời gây tăng tiết dịch vị ở dạ dày do đó gây ra đau dạ dày.
– Các thuốc là muối iot: Khi dùng kéo dài có thể gây gây tích lũy thuốc. Cần thận trọng ở trẻ em và bệnh nhân bướu giáp.
Ngoài ra, các tác dụng phụ khác của các thuốc long đờm có thể gặp gồm: Rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, ù tai…
– Các thuốc long đờm là các thuốc điều trị triệu chứng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, do đó không nên tự ý dùng thuốc, thông thường thời gian dùng thuốc từ 8 – 10 ngày, tránh dùng kéo dài.
– Khi sử dụng các thuốc long đờm, cần phối hợp vỗ rung hoặc hút đờm (nếu cần thiết) để đờm có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
– Người bệnh có tiền sử một số bệnh lý cần thận trọng khi sử dụng thuốc: bệnh hen do thuốc có thể khiến người bênh bị co thắt phế quản, bệnh lý dạ dày do thuốc có thể làm tăng tiết dịch vị dạ dày…