Từ tuổi 40 trở đi, có 10 xét nghiệm thăm dò cần thiết để nửa đời sau sống khỏe, không lo bệnh

Giai đoạn từ 46 – 55 tuổi là lúc mà bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, viêm gan, u ác tính… Trong khi đó, đây lại là những bệnh có nguy cơ không qua khỏi cao. Đó là lý do vì sao người ta hay gọi giai đoạn này là ’10 năm sinh tử’ của cuộc đời.

Bởi vậy, để chuẩn bị tâm thế đón giai đoạn này thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để biết tình hình của bản thân. Từ đó mà có hướng cải thiện thích hợp. Vậy làm thế nào để biết cơ thể đang có vấn đề gì hay không?

Mình đọc trên báo thấy các chuyên gia có nhắc nhở: Để nửa đời sau sống khỏe mạnh, ít vào ‘thăm viếng’ bệnh viện thì bạn nên làm các xét nghiệm, thăm dò cần thiết. Cụ thể:

Công thức máu

Xét nghiệm công thức máu toàn phần là kiểm tra toàn bộ thành phần có trong máu gồm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu. Kết quả công thức máu sẽ giúp cảnh báo và xác định một số bệnh lý như thiếu máu, K máu, nhiễm trùng…

Xét nghiệm máu là xét nghiệm cần làm ở tuổi 40. Ảnh minh họa, nguồn: VNN

Xét nghiệm đường huyết và HbA1C

Đây là xét nghiệm nhằm phát hiện và theo dõi tiền đái tháo đường, bệnh dái tháo đường. Khi có kết quả, nếu chỉ số của bạn ở mức ổn định thì không đáng lo, cứ tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Còn nếu chỉ số cao, chớm tiền đái tháo đường hoặc đã mắc bệnh thì cần điều trị ngay. Bởi, căn bệnh mãn tính này gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Xét nghiệm mỡ máu

Xét nghiệm mỡ máu nhằm để kiểm tra chỉ số mỡ trong máu. Chỉ số này cho phép chúng ta biết nồng độ cholesterol, Triglyceride, HDL-C, LDL-C. Trong đó, cholesterol và triglyceride làm tăng nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, tim mạch, đột quỵ… Riêng HDL-C có tác dụng bảo vệ tim mạch.

Xét nghiệm men gan

Có nhiều bệnh mãn tính liên quan tới gan như viêm gan do siêu vi, viêm gan do ký sinh trùng, gan nhiễm mỡ… Đây là những bệnh rất nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng xơ gan, K gan… Vì vậy, việc xác định men gan như thế nào vô cùng quan trọng.

Xét nghiệm chức năng thận

Bệnh lý về thận ở giai đoạn sớm thường có triệu chứng không rõ ràng nên khó nhận biết. Đặc biệt, những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp lâu ngày không được điều trị triệt để sẽ dễ bị suy thận. Do đó, từ tuổi 40, bạn nên kiểm tra chức năng thận xem thận còn khỏe không, có bị vấn đề nào không.

Chụp X – quang phổi

Đây là một tầm soát tối thiểu cần có khi bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc này giúp bác sĩ phần nào đánh giá được chức năng tim phổi còn tốt không, có trong giới hạn bình thường không. Nếu có, bạn sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm mở rộng để làm rõ nghi ngờ.

Siêu âm bụng

Siêu âm bụng là tầm soát tối thiểu cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Qua hình ảnh siêu âm sẽ xác định được các cơ quan trong ổ bụng như gan, thận, tụy, phần phụ… có vấn đề gì không. Nếu nằm trong giới hạn bình thường thì thôi chứ nếu có bất thường thì phải làm xét nghiệm.

Phụ nữ cần hết sức lưu ý về việc kiểm tra sức khỏe từ tuổi 40. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu

Siêu âm vòng 1 và chụp nhũ ảnh

Phụ nữ từ tuổi 40 trở đi cần tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm các bất thường. Chẳng hạn như vôi hóa, u cục, K vú hay các bệnh lý khác. Do đó, bạn cần siêu âm và chụp nhũ ảnh để không bỏ sót thương tổn, nhất là khi nó còn ở giai đoạn sớm.

Siêu âm tuyến giáp và động mạch cảnh

Khi lớn tuổi, bạn cần tầm soát tuyến giáp và động mạch cảnh. Bởi, việc này nhằm phát hiện tổn thương u cục và các bất thường khác tại tuyến giáp. Đây là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 40 tuổi.

Siêu âm động mạch cảnh giúp kiểm tra huyết động, độ dày thành động mạch cảnh cũng như tình trạng xơ vữa trong lòng mạch, giúp dự báo các bệnh lý liên quan, như đột quỵ và các bệnh tim mạch khác.

Các xét nghiệm mở rộng khác

Tùy theo tình trạng của cơ thể mà bạn cần kiểm tra thêm, cái này còn tùy thuộc vào sự chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn như có thể làm siêu âm tim, điện tâm đồ, holter, chụp cắt lớp vi tính…