Vì sao ngày càng nhiều người thích sống \’phông bạt\’ trên mạng xã hội
Thời gian gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều về \’lối sống phông bạt\’ trên mạng xã hội. Hiểu đơn giản, đây là những việc làm của người thích thể hiện mình trên mạng xã hội dù thực tế không phải như vậy.
Ví dụ: Ai đó cố gắng thể hiện mình giàu có, cố gắng thể hiện mình là người tốt bụng, cố gắng thể hiện mình tài giỏi…dù bản thân họ biết mình không được như vậy nhưng lại đăng tải những hình ảnh, lời lẽ gây hiểu lầm khiến người khác khi nhìn thấy sẽ khen ngợi, nể phục, yêu thích họ.
Có thể thấy, trong bối cảnh mạng xã hội đang định hình cách chúng ta tương tác, thể hiện bản thân, cuộc sống trên mạng xã hội và việc khoe khoang không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi ngày. Đây cũng là câu trả lời cho những thắc mắc đang được đại đa số người dùng quan tâm gần đây về việc “động cơ nào khiến con người đam mê một cuộc sống “phông bạt” đến thế?”
– Khoe “bill” (hoá đơn) làm từ thiện với số tiền khủng sẽ tạo ra được sự chú ý vô cùng lớn từ công chúng, trong khi điều này hoàn toàn không xảy ra khi số tiền nhỏ hơn.
– Khoe việc đi ăn tiệc, mua sắm, du lịch ở những nơi sang chảnh, xa hoa sẽ tạo ra sự ngưỡng mộ, khen ngợi của người khác. Từ đó có thể lôi kéo người khác vào hoạt động kinh doanh bất chính của mình.
Với nhiều cá nhân có nhu cầu được nổi tiếng hay đã có tầm ảnh hưởng trên cộng đồng mạng, hành động này sẽ nhận lại rất nhiều sự ngưỡng mộ, tán dương không chỉ về hành động nhân ái mà còn về khía cạnh thành công trong công việc.
Việc một cá nhân đạt được nhiều lợi ích từ việc phông bạt trên mạng xã hội sẽ càng củng cố cho họ về hành vi “sống ảo” của mình. Hơn nữa, chính họ cũng lo ngại để người khác biết được sự thật về số tiền mình ủng hộ quá ít hay cuộc sống không mấy khá giả sẽ bị coi thường, chê bai.
Khi bạn cảm thấy thật sự thành công và hạnh phúc, chính bạn không cần ai phải công nhận điều đó cả, ảnh: DSD
Sự thật về những người thích phông bạt, khoe khoang trên mạng xã hội để tạo dựng một hình không có thật về chính mình
Việc tìm kiếm tiêu điểm chú ý từ bên ngoài và sự công nhận từ người khác có thể phản ánh mức độ suy giảm về tự trọng, cảm nhận hạnh phúc của từng cá nhân.
Khi người ta cảm thấy cuộc sống của mình không đủ thành công hoặc hạnh phúc, họ sẽ tìm cách tạo ra hình ảnh tích cực để đáp ứng nhu cầu này. Khi giá trị bản thân suy giảm, họ càng cần tạo ra những vỏ bọc hoàn hảo, cố chứng minh bằng hình ảnh bên ngoài để tìm kiếm, tự củng cố bản thân.
Mạng xã hội tạo ra một tiêu chuẩn về thành công và hạnh phúc, dẫn đến việc nhiều người cảm thấy áp lực phải thể hiện cuộc sống lý tưởng. Hàng ngày trên không gian mạng, chúng ta luôn dễ dàng thấy cuộc sống sang chảnh, xinh đẹp, dùng đồ hiệu, đến những địa điểm nổi tiếng… của một số bạn trẻ.
Điều này phản ánh nhu cầu hiện thực hóa bản thân, khát khao trở thành hình tượng mà bản thân theo đuổi. Tuy nhiên trên thực tế, để đạt được những thành tựu đỉnh lưu sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Thất bại trong hiện thực hóa bản thân trong thế giới thật là điều khó chập nhận và càng củng cố cho hành vi “sống ảo”, khoe mẽ trên không gian mạng – bởi đây là nơi mà họ dễ dàng đạt được những thành tựu trên mà không cần phải nỗ lực hay đánh đổi nhiều yếu tố khác.
4 lời khuyên hữu ích của chuyên gia tâm lý cho những bạn trẻ bước ra khỏi lối sống phông bạt
Thứ nhất: Gia tăng lòng tự trọng
Nhận thức và chấp nhận giá trị thật của bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà không phụ thuộc vào vật chất bên ngoài. Việc xây dựng hệ thống giá trị bền vững từ bên trong sẽ tạo nội lực vững chắc, mức độ cảm nhận hạnh phúc tăng cao giúp giảm thiểu nhu cầu phải thể hiện bản thân để nhận sự công nhận từ người khác.
Thứ hai: Tập trung vào các mối quan hệ thân thiết ngoài đời thực thay vì chỉ chăm chăm vào việc làm gì để được khen ở trên mạng ảo
Thay vì tìm kiếm sự công nhận qua hình ảnh hào nhoáng trên mạng ảo, hãy tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ chất lượng và dành nhiều thời gian cho nó.
Thứ ba: Theo đuổi gia trị cốt lõi
Xác định và theo đuổi các mục tiêu thực tế, có ý nghĩa thực sự trong cuộc đời bạn. Ví dụ như học tập một kĩ năng mới, nỗ lực tập luyện hàng ngày để nâng cao sức khỏe, cải thiện chuyên môn để kiếm được nhiều tiền hơn, dành thời gian chăm sóc chính mình….Tất cả những mục tiêu thực tế đó sẽ giúp bạn tốt lên bằng đời thực mỗi ngày chứ không còn là mạng ảo.
Thay vì cố gắng đạt được một hình ảnh lý tưởng chỉ để gây ấn tượng hay thu hút sự chú ý của những người trên không gian mạng, hãy tự hành động để bản thân được phát triển mỗi ngày
Thứ tư: Giảm áp lực từ mạng xã hội
Giảm thiểu sự phụ thuộc vào mạng xã hội bằng cách cắt giảm thời gian sử dụng. Lược bỏ các mối quan hệ không mang lại giá trị gì trên mạng, tập trung vào các mối quan hệ chất lượng hơn.