Ngày 2/1/2025, báo Đời sống Pháp luật đã đăng tải thông tin này. Bài viết có tiêu đề: “Quay, ghi hình lỗi vi phạm nào gửi cho CSGT để nhận được tới 5 triệu đồng?”. Nội dung cụ thể như sau:
Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/vụ.
Trong quy định mới nhất đáng chú ý là khoản chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Như vậy, để đạt mức nhận 5 triệu đồng thì tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin các lỗi mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính từ 50 triệu đồng trở lên.
Vậy các hành vi vi phạm giao thông nào có mức xử phạt hành chính từ 50 triệu đồng trở lên?
Theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ.
Nếu hành vi này mà gây tai nạn thì người lái xe có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân đua xe ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp trái phép trên đường giao thông bị phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tổ chức đua xe trái phép bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.
Một số hành vi vi phạm bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng
– Cá nhân, tập thể cũng có thể được nhận số tiền từ 2-4 triệu đồng khi cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông những lỗi có mức phạt từ 20-40 triệu đồng như: vượt đèn đỏ, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, đi lùi, quay xe trên cao tốc. Cụ thể:
– Tại điểm b khoản 11 Điều 6 quy định: Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
– Cùng mức phạt này còn có hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc.
– Với hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ ở Nghị định 168 bị tăng mức phạt mới lên 35 – 37 triệu đồng.
– Các hành vi có mức xử phạt hành chính thấp hơn như: Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn sẽ tăng gấp gấp 36-50 lần, cụ thể là 20 – 22 triệu đồng.
– Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng).
Theo đại diện Cục CSGT, Nghị định 168 được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Trong đó lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy… Ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt để kiềm chế tai nạn giao thông.
Cách gửi thông tin phản ánh vi phạm giao thông để nhận thưởng tối đa 5 triệu đồng
Kể từ 1/1/2025, ứng dụng VNeTraffic là kênh giao tiếp quan trọng giữa Công dân và lực lượng CSGT, cung cấp thông tin về giao thông, giúp Công dân gửi các phản ánh, thông tin thu thập về tình hình giao thông cũng như tố giác, phản ánh các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông; theo dõi được tình trạng các phản ảnh, lịch sử đã phản ánh, lịch sử đã vi phạm, biển số đấu giá, tra cứu phạt nguội, gửi góp ý…
Ứng dụng VNeTraffic mới của Bộ Công an ra đời giúp người dân có thêm tiện ích mới cho lĩnh vực giao thông. Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA, từ ngày 1/1/2025, công dân có thể tra cứu, kiểm tra phạt nguội bằng ứng dụng VNeTraffic.
Cũng theo Bộ Công an, tại nước ta, sắp tới lực lượng CSGT sử dụng ứng dụng phần mềm để nhận thông tin của người dân làm căn cứ xử phạt. Sau khi ban hành quyết định xử phạt sẽ chi trả lại cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông qua tài khoản.
“Nếu áp dụng chính sách trên mỗi người dân sẽ là một người giám sát, hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu quả…”- Bộ Công an cho hay.