Chính sách tiền lương, tiền thưởng mới từ tháng 12.2024

Dưới đây là 4 chính sách mới về tiền lương, tiền thưởng có hiệu lực từ tháng 12.2024.

Báo Lao Động ngày 30/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Chính sách tiền lương, tiền thưởng mới từ tháng 12.2024” cùng nội dung như sau: 

Mức tiền thưởng định kỳ hằng năm với sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 95/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 25.12.2024.

Theo đó, chế độ tiền thưởng định kỳ hằng năm đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng:

– Mức tiền thưởng

+ Đối với các đối tượng được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Năm 2024, mức thưởng bằng 4 lần mức lương cơ sở; từ năm 2025 trở đi, mức thưởng bằng 8 lần mức lương cơ sở.

+ Đối với các đối tượng được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ: Năm 2024, mức thưởng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở; từ năm 2025 trở đi, mức thưởng bằng 7 lần mức lương cơ sở.

+ Đối với các đối tượng được đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ: Năm 2024, mức thưởng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở; từ năm 2025 trở đi, mức thưởng bằng 3 lần mức lương cơ sở…

Mức tiền thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng với dân quân tự vệ

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 93/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 22.12.2024 thay thế Thông tư 57/2020/TT-BQP.

Đơn cử như mức tiền thưởng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước” theo Điều 57 Nghị định 98/2023/NĐ-CP như sau:

“Giải thưởng Hồ Chí Minh” về khoa học và công nghệ và “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật được cấp Bằng, khung và tiền thưởng 270,0 lần mức lương cơ sở.

“Giải thưởng Nhà nước” về khoa học và công nghệ và “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật được cấp Bằng, khung và tiền thưởng 170,0 lần mức lương cơ sở.

Hướng dẫn xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10.12.2024.

Thông tư 10/2024/TT-BLĐTBXH đã sửa đổi Điều 14 Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH về xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, viên chức được xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang:

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) – Mã số: V.09.02.01, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) – Mã số: V.09.02.02, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III) – Mã số: V.09.02.03, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III) – Mã số: V.09.02.04, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89…

Chế độ bồi dưỡng với đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 16/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1.12.2024.

Theo đó, đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ) ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, được hưởng chế độ bồi dưỡng mức 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.

Trong ngày thực tế làm việc, nếu thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ dưới 4 giờ thì được tính bằng một nửa ngày; từ đủ 4 giờ trở lên được tính 1 ngày.

Tiếp đến, báo Dân trí ngày 30/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Hiệu trưởng ở TPHCM tiết lộ lương giáo viên cao nhất 60 triệu đồng”. Nội dung được báo đưa như sau:

Thông tin trên được ông Tưởng Nguyên Sự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm – là một trường ngoài công lập ở TPHCM –  chia sẻ tại buổi góp ý dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TPHCM ngày 29/11.

Ông Sự cho biết mức lương bình quân toàn trường hiện nay là 27,3 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 6,1 triệu đồng/tháng, cao nhất là 137,8 triệu đồng/tháng.

nhất 14 triệu đồng/tháng.

Mức lương của nhân viên mức thấp nhất từ 6,1 triệu đồng đến cao nhất là 42 triệu đồng/tháng, mức bình quân 15 triệu đồng.

Mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên thấp nhất là gần 9 triệu đồng/tháng và cao nhất là hơn 11,4 triệu đồng/tháng.

Ông Sự cho biết, chính sách tiền lương của nhà trường dựa trên năng lực, thành tích, sự cống hiến và thâm niên làm việc tại trường.

Tiền lương được điều chỉnh hằng năm vào đầu năm học cùng nhiều chính sách khác như thưởng dịp lễ, Tết, khi có thành tích cao cùng nhiều phúc lợi như giáo viên ăn trưa tại trường; con giáo viên được giảm hoặc miễn học phí khi cho con học tại trường; chế độ du lịch, nghỉ dưỡng hàng năm…

Ngoài ra trường xây dựng và phân phối căn hộ chung cư, nhà phố với giá gốc, không tính lãi cho nhân viên, giáo viên có nhu cầu.

Ông Sự cho hay, theo dự thảo của Luật Nhà giáo, giáo viên trường ngoài công lập sẽ được công nhận là nhà giáo, bình đẳng về vị trí, vai trò như nhà giáo công lập. Nhờ vậy, giúp vị thế của nhà giáo ngoài công lập cũng được nâng lên

Ông Tưởng Nguyên Sự cũng nêu ý kiến cần tiếp tục xem xét, làm rõ thêm những nội dung, về quyền và nghĩa vụ, đạo đức nhà giáo; chính sách lương; thi xếp hạng hoặc tuyển dụng đối với giáo viên ngoài công lập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo với tinh thần nhất quán, thông suốt là ban hành luật để phát triển đội ngũ nhà giáo với tinh thần chuyển từ quản lý hành chính trước đây sang quản trị về chất lượng. Qua đó để làm sao thu hút được nhiều người có năng lực, có tài, tâm huyết vào ngành sư phạm, gắn bó với nghề.

Buổi góp ý hôm nay nhằm lắng nghe những ý kiến của thầy cô là đại diện của các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm tháo gỡ một số điểm nghẽn trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo trước đây chưa bao quát được hệ thống nhà giáo ở các cơ sở ngoài công lập.