Mình thấy có rất nhiều người từ khi đi làm cho tới khi về hưu đều không lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp. Nếu như một người bình thường đi làm hơn 30 năm, có mức lương 15 triệu thì khi lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp sẽ được 109 triệu. (BHTN = 60% lương * 12)
Như vậy, nếu không lấy bảo hiểm thất nghiệp tức là bạn đã mất hơn 100 triệu. Đặc biệt là tiền này sau khi về hưu lại không thể lấy được nữa vì không hợp quy định.
Vậy làm thế nào để hưởng trọn quyền lợi bảo hiểm trước khi về hưu. Mình thấy có bài viết rất đầy đủ thông tin về vấn đề này, mình chia sẻ lại cho mọi người biết kẻo thiệt thòi nhé!
Ảnh minh họa, nguồn: DSD
Cụ thể là mỗi tháng, người lao động đi làm đều phải đóng 03 loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được giải quyết hưởng lương hưu khi đóng từ đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Còn với bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đóng từ 12 tháng trở lên (trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động) sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 cũng nêu rõ, việc hưởng trợ cấp thất nghiệp không áp dụng với người lao động hưởng lương hưu.
Vậy nên, để hưởng trọn các quyền lợi về bảo hiểm, người lao động nên nghỉ việc lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Ảnh minh họa, nguồn: SSDs
Câu hỏi đặt ra là nên nghỉ việc trước khi nghỉ hưu bao lâu thì có lợi hơn
Theo Điều 50 Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng được hưởng 03 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Vậy khi tính ra, những người lao động gần đến độ tuổi nghỉ hưu cần cân đối thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp để nghỉ làm trước thời điểm nghỉ hưu với thời gian tương ứng nhưng không quá 01 năm.
Ví dụ, nếu bạn có 10 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng thì có thể nghỉ việc trước 10 tháng. Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 12 năm cũng chỉ nên nghỉ việc trước khi nghỉ hưu tối đa 12 tháng bởi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa trong 01 lần chỉ bằng 12 tháng.
Bước tiếp theo là sau khi hưởng đủ các tháng trợ cấp thất nghiệp thì cũng là lúc người lao động đủ điều kiện về tuổi đời nghỉ hưu. Khi đó, người lao động có thể tự chủ động đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để làm thủ tục hưởng lương hưu mà không cần làm thủ tục thông qua doanh nghiệp.
Có 2 lợi ích với những người lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi lấy lương hưu:
Thứ nhất, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng 80%
Theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do người lao động đóng nên sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Căn cứ Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, quyền lợi về bảo hiểm y tế đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
– Được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã và chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
– Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến đối với các trường hợp còn lại.
– Được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (chỉ áp dụng với trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến).
Thứ hai, người lao động được trả tiền trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc
Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đã làm việc thường xuyên cho một người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên thì khi nghỉ việc sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc. Trong khi đó người hưởng lương hưu thì không có chế độ này.
Số tiền trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc chưa được đóng bảo hiểm thất nghiệp, với mỗi năm làm việc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương.