
Những hành vi lừa đảo của các đối tượng gây thiệt hại về kinh tế, mất an ninh thông tin cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc và gây bất ổn thị trường vàng. Ngày 19/5/2025, báo VOV đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Hà Nội: Khuyến cáo người dân cảnh giác khi giao dịch vàng bạc online”. Nội dung như sau:
Ngày 18/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây giá vàng bạc tăng cao và liên tục biến động khiến nhu cầu mua vàng của người dân tăng mạnh. Lợi dụng tâm lý muốn tích trữ tài sản an toàn và sinh lời nhanh chóng của người dân, nhiều đối tượng đã mạo danh các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các thủ đoạn thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng gồm: Giả mạo website, fanpage chính thức của doanh nghiệp uy tín. Đối tượng tạo lập fanpage, website, tài khoản Zalo, Telegram… giả mạo các thương hiệu kinh doanh vàng với tên thương hiệu, logo gần giống với các thương hiệu vàng lớn như Doji, Bảo tín Minh Châu, Phú Quý… (thay đổi hoặc thêm một vài ký tự trong tên), tên website gần giống đến mức khó phân biệt, gây nhầm lẫn thị giác (thay đổi ký tự trên thương hiệu…).
Thêm vào đó, các đối tượng thường đăng tải thông tin sai lệch, dụ dỗ mua bán giá rẻ, chiết khấu cao: Chạy quảng cáo theo dạng “ưu đãi đặc biệt, bán vàng giá rẻ, chiết khấu cao hơn so với thị trường”; “Đợt khuyến mãi lớn chào mừng sự kiện của doanh nghiệp”; “Đặt hàng với số lượng có hạn sẽ được ưu đãi giá tốt hơn so với thị trường”… nhằm đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, muốn sinh lời nhanh chóng của người giao dịch.
Ngoài ra, yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước để mua vàng hoặc đặt cọc, thường hướng dẫn chuyển vào tài khoản cá nhân không trùng với tên doanh nghiệp. Thậm chí, gửi giấy xác nhận “đã đặt hàng” có logo và thông tin gần giống doanh nghiệp thật để tạo lòng tin. Cùng với đó, mời chào đầu tư vàng online với lợi nhuận cao bằng cách sử dụng các website, app không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng/bạc tổ chức bán hàng online với ưu đãi lớn, “đấu giá vàng trực tuyến”; “chương trình đầu tư theo nhóm”; huy động vốn dạng “mua vàng góp”, cam kết chia lời hoặc hòa vốn sau 3-5 tháng để thu hút người dân tham gia giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản.
Có những trường hợp, đối tượng lừa đảo gọi điện tự xưng là chuyên viên tư vấn đầu tư vàng của công ty lớn, hướng dẫn mở tài khoản, gửi bảng giá giả mạo thấp hơn thị trường để lừa khách hàng chuyển tiền đầu tư. Hoặc thông báo trúng thưởng, gửi tin nhắn, email hoặc cuộc gọi mạo danh đại diện doanh nghiệp vàng, thông báo người dân trúng thưởng các chương trình tri ân, rút thăm may mắn. Sau đó yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc nộp “phí nhận thưởng”, “thuế thu nhập” và gửi đường link chứa mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, hack tài khoản ngân hàng.
Những hành vi lừa đảo này gây thiệt hại về kinh tế, mất an ninh thông tin cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc và gây bất ổn thị trường vàng.
Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo người dân cần thận trọng mỗi khi giao dịch. Mọi người chỉ nên thực hiện mua, bán vàng bạc qua các kênh chính thống, đã được kiểm chứng, tránh chuyển tiền theo hướng dẫn không rõ ràng; Đồng thời, kiểm tra kỹ fanpage, website và xác minh thông tin tài khoản thanh toán, yêu cầu bên bán xác nhận thanh toán khi nhận hàng. Luôn xác thực lại số tài khoản, tên người nhận, địa chỉ doanh nghiệp qua website chính thức, hotline của các thương hiệu uy tín hoặc đến trực tiếp cửa hàng nếu có nghi ngờ.
Đặc biệt, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc nghi vấn bị chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Cùng ngày, báo Dân Trí cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Công an Hà Nội vạch trần thủ đoạn lừa đảo mua bán vàng online”. Cụ thể như sau:
Ngày 19/5, Công an TP Hà Nội cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo khi mua, bán vàng bạc online.
Theo đó, trong bối cảnh giá vàng bạc liên tục tăng cao và biến động, nhu cầu mua vàng của người dân tăng mạnh.
Lợi dụng tâm lý muốn tích trữ tài sản an toàn và sinh lời nhanh chóng, nhiều đối tượng đã mạo danh các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, theo Công an Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là tạo lập fanpage, website, tài khoản Zalo, Telegram… giả mạo các thương hiệu kinh doanh vàng lớn như Doji, Bảo tín Minh Châu, Phú Quý… với tên thương hiệu, logo gần giống thật hoặc copy từ hình ảnh thật của công ty (thay đổi hoặc thêm một vài ký tự trong tên).
Tên website gần giống đến mức khó phân biệt, gây nhầm lẫn thị giác (thay đổi ký tự “l” viết thường thành “I” viết hoa…).
Cẩn trọng khi mua, bán vàng online (Ảnh minh họa: Q.Đ.).
Sau đó, các đối tượng cho chạy quảng cáo hoặc spam tin nhắn theo dạng “ưu đãi đặc biệt, bán vàng giá rẻ, chiết khấu cao hơn so với thị trường”; “Đợt khuyến mãi lớn chào mừng sự kiện của doanh nghiệp”; “mua vàng online, đặt hàng với số lượng có hạn sẽ được ưu đãi giá tốt hơn so với thị trường”…
Khi có khách đặt hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền trước để mua vàng hoặc đặt cọc, thường hướng dẫn chuyển vào tài khoản cá nhân không trùng với tên doanh nghiệp. Thậm chí, chúng gửi giấy xác nhận “đã đặt hàng” có logo và thông tin gần giống doanh nghiệp thật để tạo lòng tin.
Các đối tượng cũng sử dụng các website, app không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng/bạc tổ chức bán hàng online với ưu đãi lớn, “đấu giá vàng trực tuyến”; “chương trình đầu tư theo nhóm”; huy động vốn dạng “mua vàng góp”, cam kết chia lời hoặc hòa vốn sau 3-5 tháng. Đặc biệt, theo Công an Hà Nội, đối tượng lừa đảo còn gọi điện tự xưng là chuyên viên tư vấn đầu tư vàng của công ty lớn, hướng dẫn mở tài khoản, gửi bảng giá giả mạo thấp hơn thị trường để lừa khách hàng chuyển tiền đầu tư.
Sau đó, chúng gửi đường link chứa mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, hack tài khoản ngân hàng.
Trước tình hình trên, Công an TP Hà Nội cảnh báo người dân chỉ nên thực hiện mua, bán vàng bạc qua các kênh chính thống, đã được kiểm chứng, tránh chuyển tiền theo hướng dẫn không rõ ràng.
Người dân nên ưu tiên những trang có dấu tick xanh xác thực, kiểm tra lịch sử hoạt động, phản hồi người dùng, các dấu hiệu bất thường như đổi tên trang gần đây, ít lượt tương tác, ngôn ngữ thiếu chuyên nghiệp.
Trước khi thanh toán, người dân cần yêu cầu bên bán xác nhận thanh toán khi nhận hàng; luôn xác thực lại số tài khoản, tên người nhận, địa chỉ doanh nghiệp qua website chính thức, hotline của các thương hiệu uy tín hoặc đến trực tiếp cửa hàng nếu có nghi ngờ.
Khi có dấu hiệu nghi vấn hoặc đã bị chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: https://vov.vn/phap-luat/ha-noi-khuyen-cao-nguoi-dan-canh-giac-khi-giao-dich-vang-bac-online-post1200437.vov
https://dantri.com.vn/phap-luat/cong-an-ha-noi-vach-tran-thu-doan-lua-dao-mua-ban-vang-online-20250519093906525.htm